Về phía tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Tuyên Quang
Tại buổi làm việc, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh năm 2021. Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tỉnh đã chủ động, quyết liệt xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đặc biệt, tỉnh thực hiện hiệu quả thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Tỉnh đã có 17/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt trên 5,6%; quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững; công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Nhân Dân
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, duy hiệu quả 05 vùng sản xuất hàng hóa và trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; trồng mới được trên 11.000ha, duy trì tổng diện tích trồng rừng trên 190.000ha, sản lượng khai thác gỗ nguyên liệu đạt trên 01 triệu m3; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; giữ vững các tiêu chí 47 xã và 01 đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng thêm 07 xã đạt chuẩn trong năm 2021, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 54/122 xã, đạt 44,2% số xã đạt chuẩn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 159,7 triệu đô la, đạt 117,4% kế hoạch; tính đến ngày 20/12/2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 97,59% kế hoạch, ước thực hiện năm 2021 đạt 101,2% kế hoạch…
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành 8 kiến nghị liên quan các dự án: Đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường Tuyên Quang - Hà Giang nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; cho phép tỉnh quy hoạch 6 khu công nghiệp, 2 khu đô thị trên địa bàn tỉnh; các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch; đề án nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Tuyên Quang...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã thảo luận, phân tích, làm rõ về những đề xuất của tỉnh; đồng thời có ý kiến giải đáp, giải quyết các kiến nghị, đề xuất này. Trong đó, các ý kiến cơ bản đồng tình với việc phát triển cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị truyền thống lịch sử cách mạng và văn hóa dân tộc ở tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc còn nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh. Tuy nhiên, Tuyên Quang có truyền thống, bề dày lịch sử và cách mạng rất đáng tự hào; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giữ vững đoàn kết, thống nhất và tuân thủ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có lợi thế về rừng, đa dạng sinh học.
Bên cạnh biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những hạn chế của tỉnh như: Chưa phát triển nhanh và bền vững; cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nguồn lực có hạn; cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; các chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân còn thấp; hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông còn khó khăn; các hạ tầng chiến lược khác như y tế, giáo dục, chuyển đổi số còn khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu; khai thác tài nguyên, nhất là đất đai chưa hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vì vậy, tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn tại địa phương để chọn những vấn đề phù hợp, phát huy được thế mạnh, khắc phục được những hạn chế, bất cập để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, trước mắt, Tuyên Quang cần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân, hoàn thành sớm hơn mục tiêu Chính phủ đề ra; vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để có điều kiện khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, tỉnh Tuyên Quang phải hoàn thành xây dựng các quy hoạch tỉnh trong quý 1/2022 để xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập; từ đó xác định những lĩnh vực trọng tâm để phát triển.
Trong đó, quy hoạch phải thực hiện tổng thể, bài bản, có tầm nhìn xa với tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn. Quy hoạch cần tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược để mở ra không gian phát triển mới, nhất là không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ; đồng thời phát triển hạ tầng xã hội, nhất là y tế, giáo dục, văn hóa để góp phần vào năng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao sức khỏe nhân dân, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, đặc thù của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Đồng thời, trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước, Tuyên Quang phải dựa vào đổi mới sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, chuyển đổi số, khai thác hiệu quả nguồn lực tự nhiên và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, để đề xuất cơ chế, chính sách; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương bạn; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... để thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Tuyên Quang tiếp tục xây dựng tổ chức và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu...
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí và yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách cho Tuyên Quang. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài; ngoại lực là đột phá để phát triển tỉnh.
Về các dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Tuyên Quang khẩn trương nghiên cứu, tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo hướng tập trung một số dự án quan trọng, khả thi, hiệu quả và làm dứt điểm; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, dây dưa, dễ phát sinh tiêu cực. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phải phối hợp, triển khai nhanh các dự án, nhất là về giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao, kết quả chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của năm 2022 của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang sẽ cao hơn năm 2021; kết quả của nhiệm kỳ này sẽ tốt hơn nhiệm kỳ trước.
PV