Theo thông lệ, cứ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, đúng thời điểm thu hoạch vụ lúa chín, người Pà Thẻn ở 2 huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) lại tổ chức lễ hội nhảy lửa truyền thống. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Pà Thẻn, đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần Lửa, vì lửa mang lại sự may mắn, no ấm cho họ.

Theo gia phả người Pà Thẻn để lại, việc nhảy lửa nhằm truyền dạy cho con cháu đời sau cách để xua đi nỗi sợ hãi, yếu đuối và kết hợp với các bài cúng, bài chú xin sức mạnh từ thần linh, giúp cho những người can đảm, mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng.
Dân tộc Pà Thẻn (còn có tên gọi là Pà Hưng) là dân tộc có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, đây là dân tộc có số dân ít. Ở Tuyên Quang, đồng bào cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, (Tuyên Quang) với khoảng 700 nhân khẩu.
Trong một năm, cũng giống như các dân tộc khác, người Pà Thẻn thường tổ chức nhiều lễ, tết truyền thống như: Tết nguyên đán (Quá chì), Tết rằm tháng Giêng (Pá to chì), Tết thanh minh (Sé mi), Tết trâu (Qua chi gụ chuông), tết 27/9 (Quá chự pa), Lễ kéo cày và đặc biệt là Lễ hội Nhảy lửa (Pò dính). Đây là lễ hội có những bản sắc văn hóa riêng, mang ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí.
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu từ 16 -10 Âm lịch năm trước đến 15-1 Âm lịch năm sau. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.

Trong truyền thống, vào khoảng tháng 10 thầy cúng mở lớp dạy cúng, thường chọn vào ngày 16 tháng 10 (Âm lịch) là ngày bắt đầu. Thầy cúng đến nơi dạy học, cúng khấn mời thần thánh của thầy xuống, xin phép được dạy học cho những đệ tử và xin cho những người đến học được khoẻ mạnh, không vi phạm điều gì. Mỗi người đến học phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu. Khi thầy cúng thần thánh, có bao nhiêu gà phải mổ hết để trình thần thánh. Việc học cũng sẽ kéo dài đến hết rằm tháng Giêng Âm lịch năm sau.
Lễ hội Nhảy lửa diễn ra tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa và xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, (Tuyên Quang). Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là một nghi lễ để đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng thêm sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng việc tổ chức nhảy lửa nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn. Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, ngay từ buổi chiều hôm đó, các học trò đã gánh củi về, đốt ở ngoài sân. Điều kiện để có thể chủ trì lễ nhảy lửa là thầy cúng phải cao tay, biết cúng và biết dùng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để gọi “thần thánh” xuống trần gian và hoá thân vào những người có khả năng và được phép nhảy lửa.
Các bước thực hành Lễ hội Nhảy lửa

Trước khi vào buổi lễ "kéo chày" người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.
Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội "kéo chày" là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua lễ hội họ cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.
Trong lễ hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.

Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, tiếp tục thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc Pà sán tầu, vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ vừa lắc vòng, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi, thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để được “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ, nhạc lắc Pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ.

Thành viên tham gia nhảy lửa có khoảng từ 8 đến 10 người, là những thanh niên khỏe mạnh trong bản. Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai.
Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Những người tham gia nhảy lửa còn dùng cả tay và chân trần để phá đống than đỏ rực cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhảy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Tiếp đó, thầy cúng làm lễ cho các thanh niên ngồi bên cạnh rồi họ lần lượt nhảy vào đống than lửa rực hồng với bàn chân, tay trần cùng với tiếng hò reo cổ vũ của mọi người.

Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Lễ hội nhảy lửa cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, mừng cho vụ mùa bội thu và cầu thần linh phù hộ cho dân làng ấm no, hạnh phúc mãi mãi.

Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Thầy cúng đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau đớn và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Những thành viên trong đội nhảy lửa sau khi đã trình diễn xong, họ ''công khai'' xòe tay, chân của mình để chứng minh điều kỳ diệu - các bàn tay và bàn chân hoàn toàn không bị cháy bỏng, xước sát gì.
Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Nghi lễ Nhảy lửa hiện nay đã trở thành một lễ hội lớn, quen thuộc với người dân 2 huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa. Các nghi lễ, nghi thức cúng tế, vũ điệu nhảy lửa trong lễ hội đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Do vậy, lễ hội Nhảy lửa có sức sống và khả năng duy trì tốt.... Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Bảo tàng tỉnh tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và có các biện pháp bảo vệ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang./.
PV
Theo thông lệ, cứ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, đúng thời điểm thu hoạch vụ lúa chín, người Pà Thẻn ở 2 huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) lại tổ chức lễ hội nhảy lửa truyền thống. Đây là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Pà Thẻn, đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần Lửa, vì lửa mang lại sự may mắn, no ấm cho họ.
Theo gia phả người Pà Thẻn để lại, việc nhảy lửa nhằm truyền dạy cho con cháu đời sau cách để xua đi nỗi sợ hãi, yếu đuối và kết hợp với các bài cúng, bài chú xin sức mạnh từ thần linh, giúp cho những người can đảm, mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng.
Dân tộc Pà Thẻn (còn có tên gọi là Pà Hưng) là dân tộc có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, đây là dân tộc có số dân ít. Ở Tuyên Quang, đồng bào cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, (Tuyên Quang) với khoảng 700 nhân khẩu.
Trong một năm, cũng giống như các dân tộc khác, người Pà Thẻn thường tổ chức nhiều lễ, tết truyền thống như: Tết nguyên đán (Quá chì), Tết rằm tháng Giêng (Pá to chì), Tết thanh minh (Sé mi), Tết trâu (Qua chi gụ chuông), tết 27/9 (Quá chự pa), Lễ kéo cày và đặc biệt là Lễ hội Nhảy lửa (Pò dính). Đây là lễ hội có những bản sắc văn hóa riêng, mang ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí.
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu từ 16 -10 Âm lịch năm trước đến 15-1 Âm lịch năm sau. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.
Trong truyền thống, vào khoảng tháng 10 thầy cúng mở lớp dạy cúng, thường chọn vào ngày 16 tháng 10 (Âm lịch) là ngày bắt đầu. Thầy cúng đến nơi dạy học, cúng khấn mời thần thánh của thầy xuống, xin phép được dạy học cho những đệ tử và xin cho những người đến học được khoẻ mạnh, không vi phạm điều gì. Mỗi người đến học phải mang theo 1 con gà, 1 chai rượu. Khi thầy cúng thần thánh, có bao nhiêu gà phải mổ hết để trình thần thánh. Việc học cũng sẽ kéo dài đến hết rằm tháng Giêng Âm lịch năm sau.
Lễ hội Nhảy lửa diễn ra tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa và xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, (Tuyên Quang). Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là một nghi lễ để đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, có ý nghĩa tượng trưng cho việc các vị thần xuống trần gian tắm nước và phù hộ cho dân làng thêm sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Người Pà Thẻn còn quan niệm rằng việc tổ chức nhảy lửa nhằm giúp cho những người trong làng đang học cúng và làm thầy cúng được thông minh hơn. Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, ngay từ buổi chiều hôm đó, các học trò đã gánh củi về, đốt ở ngoài sân. Điều kiện để có thể chủ trì lễ nhảy lửa là thầy cúng phải cao tay, biết cúng và biết dùng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc để gọi “thần thánh” xuống trần gian và hoá thân vào những người có khả năng và được phép nhảy lửa.
Các bước thực hành Lễ hội Nhảy lửa
Trước khi vào buổi lễ "kéo chày" người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.
Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội "kéo chày" là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua lễ hội họ cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.
Trong lễ hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.
Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, tiếp tục thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc Pà sán tầu, vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ vừa lắc vòng, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi, thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để được “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ, nhạc lắc Pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ.
Thành viên tham gia nhảy lửa có khoảng từ 8 đến 10 người, là những thanh niên khỏe mạnh trong bản. Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai.
Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Những người tham gia nhảy lửa còn dùng cả tay và chân trần để phá đống than đỏ rực cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhảy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.
Tiếp đó, thầy cúng làm lễ cho các thanh niên ngồi bên cạnh rồi họ lần lượt nhảy vào đống than lửa rực hồng với bàn chân, tay trần cùng với tiếng hò reo cổ vũ của mọi người.
Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Lễ hội nhảy lửa cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, mừng cho vụ mùa bội thu và cầu thần linh phù hộ cho dân làng ấm no, hạnh phúc mãi mãi.
Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Thầy cúng đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau đớn và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Những thành viên trong đội nhảy lửa sau khi đã trình diễn xong, họ ''công khai'' xòe tay, chân của mình để chứng minh điều kỳ diệu - các bàn tay và bàn chân hoàn toàn không bị cháy bỏng, xước sát gì.
Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Nghi lễ Nhảy lửa hiện nay đã trở thành một lễ hội lớn, quen thuộc với người dân 2 huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa. Các nghi lễ, nghi thức cúng tế, vũ điệu nhảy lửa trong lễ hội đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự. Do vậy, lễ hội Nhảy lửa có sức sống và khả năng duy trì tốt.... Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Bảo tàng tỉnh tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và có các biện pháp bảo vệ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang./.
PV