Đặc sắc các lễ hội lớn nhất ở Tuyên Quang
12/12/2022 16:10:00 Xem cỡ chữ: A+ A-
Tuyên Quang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa, nghệ thuật riêng và được thể hiện qua những lễ hội truyền thống với những không gian văn hóa đầy ắp tính nhân văn.

Top các lễ hội đặc sắc ở xứ Tuyên

Lễ hội Thành Tuyên

Lễ hội Thành Tuyên. 

Lễ hội Thành Tuyên bắt đầu từ năm 2004, khi đó nhân dân một số tổ dân phố tự nghĩ ra cách làm đèn Trung thu cho trẻ bằng mô hình các con vật ngộ nghĩnh. Việc làm đó thay cho các kiểu đèn ông sao nhỏ truyền thống tạo được cảm hứng chung cho cả tổ dân phố, thay vì đi mua đèn nhỏ cho con em mình, mọi người cùng nhau làm một mô hình chung, rất cầu kỳ và đầy sáng tạo. Sau đó những năm tiếp sau, các mô hình đèn Trung thu ngày càng nở rộ và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đêm chính hội diễn ra vào 15/8 âm lịch, cả thành phố Tuyên Quang đầy ắp ánh sáng lung linh của các loại đèn trang trí, những dòng người nối dài diễu hành cùng các mô hình ngộ nghĩnh như: “Trí khôn của ta đây”, “12 con giáp”, “Anh hùng tương ngộ”, “Đám cưới chuột”...

Lễ hôi đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có mô hình đèn Trung Thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.

Đây là sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch quan trọng của tỉnh, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đồng thời khẳng định ý nghĩa, vai trò, những nét đặc sắc của Lễ hội Thành Tuyên tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội rước Mẫu (Lễ hội đền Hạ)

Lễ hội rước Mẫu năm 2019. Ảnh minh họa

Lễ hội rước Mẫu là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang, diễn ra từ ngày 10 đến 16 tháng Hai (âm lịch) hằng năm. Từ sớm ngày 11 tháng Hai, người dân đã tập trung tại đền Ỷ La (phường Ỷ La) để rước Phương Dung công chúa (người chị) về đền Hạ (phường Tân Quang). Ngày 12 tháng Hai là lễ rước Ngọc Lân công chúa (người em) từ đền Thượng (xã Tràng Đà) về đền Hạ để hợp tế. Nét đặc sắc nhất của lễ hội là tục chui qua kiệu Mẫu với niềm tin được Mẫu ban cho sức khỏe, hạnh phúc. Ngày 16 tháng Hai, khi lễ hội kết thúc, người dân làm lễ hoàn cung, đưa các Mẫu trở về đền thờ riêng. Năm 2017, Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là những công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, một nét đẹp tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Lễ hội là sự kế thừa những giá trị văn hóa và tái hiện lại những nghi thức truyền thống trong lễ rước Mẫu của nhân dân xứ Tuyên, thể hiện những nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân, giàu ý nghĩa nhân văn, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống .

Lễ hội Lồng Tông (dân tộc Tày)

Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình năm 2019. Ảnh minh họa

Lễ hội Lồng Tông (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng) là lễ hội lớn nhất của người Tày diễn ra từ ngày mùng 4 đến ngày 15 tháng Giêng hằng năm trên địa bàn tỉnh, lễ hội phản ánh mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội được tổ chức theo trình tự: Lễ rước, lễ đặt mâm tồng, lễ dâng hương, lễ tế thần, lễ cầu mưa, lễ dâng rượu, lễ hóa dâng văn tế, phần cuối có lễ hạ điền. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: Tung còn, đánh pam, đánh yến…

Đây là một trong những lễ hội truyền thống thực sự trở thành nơi bảo tồn, và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được xem là một bảo tàng sống và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Năm 2013, Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa (đình Tân Trào)

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa năm 2019. Ảnh minh họa

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa diễn ra vào ngày mùng 2 và mùng 4 tháng Giêng hàng năm tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày gắn với di tích lịch sử văn hóa đình Hồng Thái và đình Tân Trào mang ý nghĩa tâm linh và giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân.

Lễ hội Cầu may và Cầu mùa gồm 2 phần: Phần lễ được tổ chức cúng tế trong đình với ước muốn của người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi nhà ấm no, hạnh phúc và tỏ lòng thành kính với các vị thần Thành hoàng làng có công khai canh lập địa, giúp cho nhân dân sinh cơ lập nghiệp bình yên, hạnh phúc. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Cày bừa, khai địa, kéo co, tung còn…

Lễ hội đã trở thành hoạt động văn hoá không thể thiếu trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân vùng đất chiến khu cách mạng Tân Trào mỗi dịp tết đến xuân về.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô năm 2019. Ảnh minh họa

Vào mồng 4 tết Nguyên đán hàng năm, thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Lễ hội đua thuyền là một trong chuỗi các hoạt động văn hóa của Lễ hội Xuân thành phố Tuyên Quang nhằm giới thiệu với nhân dân và du khách thập phương một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xứ Tuyên.

Hội đua thuyền trên sông Lô xuất phát từ môn thể thao bơi chải truyền thống. Đây là môn thể thao phát triển rất mạnh ở miền Bắc sau Chiến thắng Bạch Đằng của quân và dân ta năm 938. Đến nay, Hội đua thuyền trên sông Lô mỗi dịp đầu xuân đã trở thành một lễ hội sông nước độc đáo, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương đến tham dự, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất và con người xứ Tuyên.

Lễ hội Động Tiên - Hàm Yên

Lễ hội Động Tiên năm 2019. Ảnh minh họa

Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Hàm Yên được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và quảng bá những sản phẩm nông sản truyền thống.

Lễ hội sẽ trở nên sôi động hơn bởi có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn như: Du khách sẽ được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc qua các phong tục lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca, các hoạt động văn hóa…Ngoài ra, lễ hội còn có các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc như: đánh cờ người, bịt mắt bắt dê, đánh quay, thi đấu bóng chuyền và chọi dê...

Lễ hội Động Tiên – Hàm Yên đã góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống và bản sắc văn hóa, là điểm đến hấp dẫn của du khách, trải nghiệp cuộc sống và tìm hiểu về mảnh đất con người nơi đây mỗi độ xuân về.

Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn

Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn.

Lễ hội nhảy lửa thường được tổ chức vào đầu năm, là một lễ hội có truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa được coi là vị thần thiêng liêng mang lại sự ấm áp, mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cũng như có sức mạnh xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Để bắt đầu lễ hội, thầy mo sẽ làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi để thành than nóng cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài từ 1 thậm chí đến cả 3, 4 giờ đồng hồ, khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng.

Đây là một trong những tâm điểm thu hút khách du lịch mỗi dịp xuân về, giúp du khách khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang nói riêng cũng như các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói chung.

Lễ hội đình làng Giếng Tanh

Lễ hội đình làng Giếng Tanh. Ảnh minh họa 

Lễ hội đình làng Giếng Tanh được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch) tại xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, đây là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội: Phần lễ được tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức truyền thống mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật phát triển… Phần hội với nhiều trò chơi: tung còn, kéo co…

Lễ hội Đình làng Giếng Tanh mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Cao Lan. Cùng với các hoạt động lễ hội đầu xuân, lễ hội đã và đang góp phần tích cực vào việc duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh./.

Lễ Hội Mùa vàng Hồng Thái

Đến vùng cao Na Hang bay dù lượn trên mùa vàng.

Đến hẹn lại lên, cứ độ tháng 10 dương lịch, khi lúa chín vàng trên những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang ở các thôn bản, sườn đồi tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, cũng là thời điểm bà con, du khách lại háo hức về nơi đây để hòa mình vào không khí rộn ràng, tưng bừng đầy hấp dẫn của Lễ hội Mùa vàng Hồng Thái.

Hồng Thái là xã vùng cao của huyện Na Hang, nằm ở độ cao trên 1.280m so với mực nước biển, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp được biết đến với Làng văn hóa thôn Khâu Tràng với những ngôi nhà cổ mái ngói âm dương, cánh đồng ruộng bậc thang, vườn lê, đường lê… với khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, bên cạnh đó Hồng Thái còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm, đó là những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Đây được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn.

Lễ hội Mùa vàng Hồng Thái diễn ra vào tháng 10 dương lịch hằng năm, nhằm hứa hẹn một hướng đi mới cho bà con về phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp qua đó phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của địa phương tới khách du lịch./.

PV

 

  • Số người online: 1507
  • Số lượt truy cập: 47702927
  • Số lượt truy cập tuần: 175610
  • Số lượt truy cập tháng: 1341809