Nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình
04/02/2023 14:18:00 Xem cỡ chữ: A+ A-
Sau 3 năm ảnh hưởng do dịch bệnh covid-19, tối 3-2, (tức ngày mùng 13 tháng giêng Xuân Quý mão 2023. Tại Sân vận động thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình đã tổ chức Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn và ngày hội văn hóa các dân tộc.

Đối với người Pà Thẻn, lửa tượng trưng cho thần linh, mang đến hạnh phúc ấm no.

Với sự huyền bí, linh thiêng và đầy tính nhân văn sâu sắc, nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đã và đang được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá. Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn là tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên. Theo thông lệ đầu Xuân, các thầy cúng trong bản sẽ mở lễ hội Nhảy lửa để chiêu mộ học trò, truyền nghề thầy cúng.
 

Thầy mo đọc văn khấn mời gọi thần linh chứng dám và chở che, phù hộ cho những chàng thanh niên có được sức mạnh để thực hiện nghi lễ nhảy lửa.

Người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), tuy số lượng không đông nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai nhoà và rất đậm nét trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam như: Lễ kéo chày, trang phục, âm nhạc truyền thống... Nhưng đặc sắc nhất và độc đáo nhất vẫn là tục nhảy lửa của đồng bào nơi đây. Không ai biết tục nhảy lửa của đồng bào có từ bao giờ nhưng nó đã tồn tại cho đến nay, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của người Pà Thẻn.

Mâm cúng của người Pà Thẻn tại lễ hội.

Đạo cụ chính của đêm lửa thiêng chính là những đống lửa áng chừng vài ba khối mà sức nóng của nó đủ để nung chảy bất cứ một loại kim loại nào. Lửa đã nhóm lên và thầy cúng lại tiếp tục bài ca rước thần linh về nhập thân người nhảy lửa, bài ca huyền bí này lại vang lên trong suốt thời gian lễ hội, từ 8 giờ tối cho đến khi nào tàn cuộc, than tắt mới thôi. Bản thân thầy mo như cúng lên đồng, hoá thân vào các đấng thần linh để kích thích, kêu gọi, dẫn dụ, mời mọc người ta vào cuộc chơi đùa với lửa.

Lễ kéo chày của dân tộc Pà Thẻn.

Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đỏ rực, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần linh dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.

"Vũ điệu hoa lửa" của các chàng trai Pà Thẻn.

Sân khẩu thô sơ là bãi đất trống giữa thiên nhiên khoáng đãng. Đạo cụ là than lửa, vị chỉ huy tài ba với vài nhạc cụ nôm na, lễ vật giản dị, nghi lễ không cầu kỳ, bí ấn mà tất cả những người con Pà Thẻn đã tạo ra được một buổi trình diễn nghệ thuật với than lửa cực kỳ ấn tượng, đẹp mắt, ám ảnh và đầy kịch tính, hấp dẫn. Nó nóng hơn bất cứ một sân khấu trình diễn nào khác mà khán giả đã được xem.

 Những chàng trai thi nhau nhảy vào đám than hồng bằng chân trần tạo nên khung cảnh bí ẩn và đẹp mắt.

Anh Phạm Gia Chiến, Nghệ sĩ nhiếp ảnh - TP Lào Cao - Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam cho biết: Được xem thông tin từ các trang mạng như Facebook về nghi lễ trong Lễ Hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Anh đã cùng các thành viên trong Hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam, với mong muốn tận mắt chứng kiến nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn tại nơi đây. Những bí mật của Lễ hội nhảy lửa vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho các nhà khoa học đi tìm lời giải mã. Người ta khó mà giải thích được, tại sao da thịt, quần áo thô sơ của những con người bình thường, không bị bỏng, cháy khi va chạm với sức nóng của than lửa đủ sức nung chảy kim loại. Sức mạnh nào, nguồn cơn nào đã khiến họ quên mất bản thân mình, quên mất sự nguy hiểm của than lửa mà hiên ngang dấn thân vào. Phải chăng có một sự huyền bí, bí ẩn nào đó trong những câu thần trú của thầy mo, và trong chính những con người bình thường, chân chất ấy.

Đông đảo người dân và du khách thưởng thức nghi lễ nhảy lửa.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên tôi đến với lễ hội của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (Lâm Bình), điều khiến tôi bất ngờ đó là; những người đàn ông với đôi bàn chân trần nhảy lên đống than còn đỏ dực. Điều kỳ lạ, họ nhảy vào đống than với sức nóng như vậy, nhưng không một ai bị bỏng, những đốm than được hất tung lên trời đã làm cho tôi và du khách thích thú về hoạt động này.

Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, Lâm Bình cho biết: Đây là nét sinh hoạt tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, chứa đựng những giá trị văn hoá mang đậm nét hoang sơ của miền sơn cước, để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; trong đó có lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang (Lâm Bình) được tổ chức lại sau 3 năm ảnh hưởng dịch bệnh covid-19, từ việc phục dựng nghi lễ đã để cho các thế hệ người Pà Thẻn được thưởng thức, tham gia lễ hội truyền thống của dân tộc mình cũng như với mục đích thu hút khách Du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Kết thúc, thầy cúng sẽ giải lễ cho các học trò để họ trở về là người thường.

Nghi lễ nhảy lửa nhằm cầu các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe. Sau khi đống lửa tàn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Bác Hồ, ca ngợi đất nước đổi mới tại lễ hội.

Đợi đến năm sau, ngày này, đến hẹn lại lên, lại phiêu linh với than hồng, lại mê hoặc, thôi miên du khách gần xa nô nức đến. Để rồi nhớ mãi không quên một lễ hội kỳ bí, lạ lùng, bí ẩn của người dân tộc Pà Thẻn ở Lâm Bình.

PV

  • Số người online: 4045
  • Số lượt truy cập: 42208968
  • Số lượt truy cập tuần: 363382
  • Số lượt truy cập tháng: 509487