Tuyenquang.gov.vn: Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này là nơi cư trú của 22 dân tộc anh em. Trong vườn hoa đầy hương sắc của các dân tộc, dân tộc Cao Lan có nhiều nét văn hoá độc đáo và phong phú.
Ảnh minh họa.
Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) có số dân hơn 61.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, tết cổ truyền của người Cao Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian nhưng người Cao Lan vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình, đặc biệt là trong ngày tết Nguyên đán. Thời gian chuẩn bị và ăn tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Đối với một số dòng họ hoặc người có chức sắc thì việc chuẩn bị cho tết diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ 15 tháng Chạp. Kể từ ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.
Người Cao Lan thường tự làm những loại bánh có nguồn gốc từ chính sản phẩm lao động nông nghiệp của mình như bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam ….để ăn tết. Bánh chưng của người Cao Lan cũng có nguyên liệu chính là gạo nếp nương, nhân đậu xanh, thịt lợn tươi gói với lá dong hoặc lá chuối. Điểm độc đáo trong chiếc bánh chưng của người Cao Lan là hình trụ dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch, bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng béo ngậy. Một loại bánh cũng rất phổ biến trong ngày tết cổ truyền của người Cao Lan là bánh gai. Để có chiếc bánh gai đen bóng, ngọt mịn, thơm bùi của nhân lạc, vào khoảng tháng 6, tháng 7, đồng bào đã lấy lá gai tước bỏ xương phơi khô rồi cất đi. Sở dĩ phải chuẩn bị nguyên liệu sớm như vậy là vì họ cho rằng vào thời điểm đó là mới non, thơm và có đầy đủ hương vị của đất trời. Cùng với các sản phẩm của gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún. Đây là món ăn phổ biến của các gia đình người Cao Lan trong các dịp lễ tết. Bún được làm từ nguyên liệu chính là gạo tẻ, ngâm chua vừa phải, vớt ra đãi sạch, phơi cho khô lưng rồi cho vào cối giã thủ công cùng với một lượng cơm nguội nhất định. Từ lúc ngâm gạo cho đến khi thành bún đều được làm thủ công, vì vậy bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Ngày 30 tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm của người Cao Lan. Từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà, sắp xếp các công cụ phục vụ sản xuất được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau khi công việc vệ sinh nhà cửa được hoàn tất, người Cao Lan thực hiện dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan gọi là Chí dịt) lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên ... Giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Buổi chiều 30 tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Qua giao thừa, người Cao Lan thường xuất hành đi lấy nước về cúng gia tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Song song với việc chuẩn bị nước để cúng nước mới người Cao Lan còn chuẩn bị đồ cúng tổ tiên bao gồm bánh rán, cá nướng (cá chép, cá diếc …) việc này được thực hiện sau khi đã cúng nước mới với quan niệm tổ tiên khi ngủ dậy cũng phải thực hiện vệ sinh cá nhân và uống nước trước khi dùng bữa, công việc này được hoàn thành trước khi trời sáng. Sáng ngày mùng 01 Tết, chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, còn phụ nữ thì ở nhà làm cơm đãi khách đến chúc Tết. Sang ngày mùng 2 tết, người Cao Lan mở lễ hội khai nhạc. Tại buổi lễ, họ chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để kính dâng lên Thành Hoàng. Tham dự lễ hội là đông đảo bà con dân tộc Cao Lan và người dân ở các khu vực lân cận. Tất cả đều diện trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất, nét mặt rạng rỡ tươi vui. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa cổ truyền của dân tộc.
Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn... thì không thể thiếu làn điệu sình ca. Sình ca là loại thể dân ca trữ tình hấp dẫn nhất, đặc sắc nhất và phong phú nhất của người Cao Lan. Đây là là lối hát không có nhạc, chỉ hát xướng nhưng âm điệu rất mượt mà, tha thiết và đầy mê hoặc. Ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động là nội dung cơ bản nhất, phong phú nhất của những câu hát sình ca. Gửi gắm vào các bài sình ca, đồng bào Cao Lan muốn nói lên rằng: con người phải luôn yêu thương nhau và yêu lao động; chỉ bằng lao động, con người mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc một cách bền vững.
Một mùa xuân mới rạng rỡ đang về trên quê hương thủ đô kháng chiến. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng trong sắc xuân Mậu Tuất 2018, dân tộc Cao Lan nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để phát huy tốt truyền thống một vùng quê cách mạng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tinh thấn Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đề ra: " đoàn kết thống nhất, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững".
Dương Thuý Ngọc
Trường chính trị tỉnh
Tuyenquang.gov.vn: Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất giàu truyền thống cách mạng này là nơi cư trú của 22 dân tộc anh em. Trong vườn hoa đầy hương sắc của các dân tộc, dân tộc Cao Lan có nhiều nét văn hoá độc đáo và phong phú.
Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) có số dân hơn 61.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, tết cổ truyền của người Cao Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian nhưng người Cao Lan vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình, đặc biệt là trong ngày tết Nguyên đán. Thời gian chuẩn bị và ăn tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Đối với một số dòng họ hoặc người có chức sắc thì việc chuẩn bị cho tết diễn ra sớm hơn, bắt đầu từ 15 tháng Chạp. Kể từ ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.
Người Cao Lan thường tự làm những loại bánh có nguồn gốc từ chính sản phẩm lao động nông nghiệp của mình như bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam ….để ăn tết. Bánh chưng của người Cao Lan cũng có nguyên liệu chính là gạo nếp nương, nhân đậu xanh, thịt lợn tươi gói với lá dong hoặc lá chuối. Điểm độc đáo trong chiếc bánh chưng của người Cao Lan là hình trụ dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch, bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng béo ngậy. Một loại bánh cũng rất phổ biến trong ngày tết cổ truyền của người Cao Lan là bánh gai. Để có chiếc bánh gai đen bóng, ngọt mịn, thơm bùi của nhân lạc, vào khoảng tháng 6, tháng 7, đồng bào đã lấy lá gai tước bỏ xương phơi khô rồi cất đi. Sở dĩ phải chuẩn bị nguyên liệu sớm như vậy là vì họ cho rằng vào thời điểm đó là mới non, thơm và có đầy đủ hương vị của đất trời. Cùng với các sản phẩm của gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún. Đây là món ăn phổ biến của các gia đình người Cao Lan trong các dịp lễ tết. Bún được làm từ nguyên liệu chính là gạo tẻ, ngâm chua vừa phải, vớt ra đãi sạch, phơi cho khô lưng rồi cho vào cối giã thủ công cùng với một lượng cơm nguội nhất định. Từ lúc ngâm gạo cho đến khi thành bún đều được làm thủ công, vì vậy bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Ngày 30 tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm của người Cao Lan. Từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà, sắp xếp các công cụ phục vụ sản xuất được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau khi công việc vệ sinh nhà cửa được hoàn tất, người Cao Lan thực hiện dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan gọi là Chí dịt) lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo, các cây lưu niên ... Giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Buổi chiều 30 tết, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Qua giao thừa, người Cao Lan thường xuất hành đi lấy nước về cúng gia tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Song song với việc chuẩn bị nước để cúng nước mới người Cao Lan còn chuẩn bị đồ cúng tổ tiên bao gồm bánh rán, cá nướng (cá chép, cá diếc …) việc này được thực hiện sau khi đã cúng nước mới với quan niệm tổ tiên khi ngủ dậy cũng phải thực hiện vệ sinh cá nhân và uống nước trước khi dùng bữa, công việc này được hoàn thành trước khi trời sáng. Sáng ngày mùng 01 Tết, chủ nhà và các con trai lớn đi chúc tết các gia đình trong thôn bản, còn phụ nữ thì ở nhà làm cơm đãi khách đến chúc Tết. Sang ngày mùng 2 tết, người Cao Lan mở lễ hội khai nhạc. Tại buổi lễ, họ chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản để kính dâng lên Thành Hoàng. Tham dự lễ hội là đông đảo bà con dân tộc Cao Lan và người dân ở các khu vực lân cận. Tất cả đều diện trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, mới nhất, nét mặt rạng rỡ tươi vui. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa cổ truyền của dân tộc.
Trong lễ hội, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn... thì không thể thiếu làn điệu sình ca. Sình ca là loại thể dân ca trữ tình hấp dẫn nhất, đặc sắc nhất và phong phú nhất của người Cao Lan. Đây là là lối hát không có nhạc, chỉ hát xướng nhưng âm điệu rất mượt mà, tha thiết và đầy mê hoặc. Ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động là nội dung cơ bản nhất, phong phú nhất của những câu hát sình ca. Gửi gắm vào các bài sình ca, đồng bào Cao Lan muốn nói lên rằng: con người phải luôn yêu thương nhau và yêu lao động; chỉ bằng lao động, con người mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc một cách bền vững.
Một mùa xuân mới rạng rỡ đang về trên quê hương thủ đô kháng chiến. Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng trong sắc xuân Mậu Tuất 2018, dân tộc Cao Lan nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói chung sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để phát huy tốt truyền thống một vùng quê cách mạng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tinh thấn Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đề ra: " đoàn kết thống nhất, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững".
Dương Thuý Ngọc
Trường chính trị tỉnh