Người thổi hồn vào tiếng sáo

07/09/2023 - 05:44
1220
Cỡ chữ:

Nhắc đến Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Liên - nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là nhắc đến những đóng góp của ông trong việc gìn giữ, quảng bá tiếng sáo dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước. Đến nay, ông đã biểu diễn ở hơn 60 quốc gia, sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cây sáo của hơn 30 dân tộc và cũng có thể coi là người đầu tiên đưa chùm sáo dân tộc lên sân khấu một cách bài bản.

Nhạc sỹ, NSƯT Đức Liên

Nhạc sỹ, NSƯT Đức Liên tên đầy đủ là Đỗ Đức Liên, sinh năm 1956, quê ở thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Từ nhỏ, ông đã bị mê mẩn bởi tiếng sáo của những người ngồi thuyền lướt trên dòng sông Gâm giữa không gian núi rừng, sông nước mênh mông. Say mê, mày mò tìm hiểu, ông đã bắt chước được những bài sáo đơn giản ấy và đặc biệt là học được rất nhiều qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính điều đó đã làm nên niềm đam mê nghệ thuật sáo, giai điệu quê hương trong con người ông. Thấy con thích sáo, vào dịp hè khi Đức Liên mới 10 tuổi, cha của ông đã lặn lội về Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) gặp NSƯT Đinh Thìn để xin thầy nhận con trai mình làm học trò. Và cứ thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng hè, nhạc sỹ Đức Liên đã được tiếp thêm tình yêu, sự đam mê và tràn đầy niềm tin tưởng vào con đường nghệ thuật phía trước.
 
Từ năm 1973 đến 1990, ông công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, làm Đội trưởng Đội Nhạc, nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ dân tộc. Thời kỳ ấy nhạc sĩ Phú Quang thường lên giao lưu với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 và đã sáng tác bài hát “Những ký họa Tây Bắc”. Đây chính là bài hát đem lại thành công đầu tiên cho Đức Liên khi ông biểu diễn và giành 2 Huy chương Vàng đầu tiên trong 2 Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đến năm 1990, nhạc sỹ Đức Liên chuyển về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong thời gian này, ông tiếp tục học và tốt nghiệp tại Nhạc viện Hà Nội. Ông từng giữ chức Trưởng đoàn Nghệ thuật, Trưởng ban Quản lý Trung tâm Đào tạo thực hành kỹ năng nghệ thuật biểu diễn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
 

Nhạc sỹ, NSƯT Đức Liên biểu diễn trong chương trình "Bình minh quê hương" trên kênh VTV1


Là nghệ sĩ biểu diễn sáo dân tộc, ông luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, không ngừng nâng cao về trình độ biểu diễn, đạt tới trình độ điêu luyện, tinh tế, có sức truyền cảm, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe. Không những vậy, ông cũng có nhiều đóng góp vào việc cải tiến nhạc cụ, làm cho tính năng và sức biểu hiện ngày càng phong phú, đa dạng. Cùng với biểu diễn đạt được những kết quả đáng trân trọng trong và ngoài nước, ông còn sáng tác ca khúc và có trên 20 tác phẩm khí nhạc độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đồng thời còn dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn cho nhà hát và các đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố. Những tác phẩm nổi tiếng ông sáng tác và thu thanh có thể kể đến như: “Bình minh quê hương”, “Gặp em đêm hội mùa” (độc tấu sáo trúc); “Mùa trăng” (độc tấu sáo Mông), “Trăng núi” (song tấu sáo Mông), “Hội xuân Tây Bắc” (hòa tấu sáo).

Dù xa quê hơn 40 năm, nhạc sỹ, NSƯT Đức Liên vẫn nặng lòng với quê hương Tuyên Quang. Ngoài nghệ sỹ sáo, nhạc sỹ Đức Liên còn chăm sáng tác, phổ nhạc các ca khúc về quê hương như: Về Tuyên Quang đi em, Đất mẹ Chiêm Hóa, Bên dòng sông Gâm, Mùa hoa phách tím, Câu hát Then quê mình, Tìm em trong lá… Mới đây, đầu tháng 8/2023, NSƯT Đức Liên cùng vài người bạn nghệ sỹ ở Hà Nội, thành phố Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Tân An (Chiêm Hóa) tổ chức đêm Giao lưu văn nghệ “Giai điệu quê hương”.

Là nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn và sáng tác nhưng nghệ sĩ Đức Liên còn cộng tác với các trường nghệ thuật để đào tạo thế hệ nghệ sĩ sáo trúc tương lai. Nhiều sinh viên của ông đã trở thành những nghệ sĩ tài năng, đóng góp đáng kể cho sáo trúc nước nhà như NSƯT Thanh Hương (Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), NSƯT Xuân Chung, NSƯT Văn Ngư (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)... Ngoài ra, ông còn tham gia đào tạo, tập huấn, dàn dựng cho nhiều nghệ sĩ sáo trúc của các đoàn nghệ thuật trên cả nước, giúp họ giành được nhiều huy chương trong các hội diễn chuyên nghiệp.

Những năm gần đây, khi đã về hưu theo chế độ nhưng ngày ngày ông vẫn tham gia bồi dưỡng kiến thức tại nhà cho những thí sinh chuẩn bị thi vào các trường nghệ thuật cũng như những người theo học nghiệp dư. Ông tâm niệm, cứ có học sinh đến học là có thêm niềm vui, vì khi ấy ông biết rằng vẫn có những người đam mê, nhiệt huyết với cây sáo trúc. Trong tâm tưởng, ông rất muốn âm nhạc dân tộc nói chung và sáo trúc nói riêng trở thành môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Và có thể thấy ông vẫn còn nhiều lắm những dự định, tâm huyết với cây sáo trúc nước nhà.

Nhạc sỹ, NSƯT Đức Liên coi kênh Youtube là nơi chia sẻ, giao lưu với những người yêu sáo

Để tiếng sáo lan tỏa, ông lập kênh Youtube “Liên Dương Đỗ” với mong muốn sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm cũng như giao lưu với những người yêu sáo. Kênh YouTube của ông hiện đã có gần một nghìn video với chủ đề rất đa dạng, có thể là những ca khúc, những bài dân ca các vùng miền, cũng có những bài hát nước ngoài mà ông đã dùng cây sáo trúc Việt để thổi hồn vào một cách điêu luyện. Mỗi video đưa lên đều được ông chăm chút về kỹ thuật, cách nhả hơi, luyến láy để nó phải là sản phẩm nghệ thuật chất lượng, để mọi người có cảm giác như đang được ngồi xem trực tiếp trong một khán phòng nào đó.

Với những cống hiến của mình, nhạc sỹ Đức Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2001, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải Nhì năm 2000 với tác phẩm Hòa tấu dàn sáo dân tộc, Hội xuân Tây Bắc, một Huy chương Vàng Liên hoan quốc tế Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) năm 1989, 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc trong các kỳ hội diễn trong nước và nhiều giải thưởng cao quý khác… Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người sưu tầm, thổi được nhiều loại sáo nhất Việt Nam.

 PV

    bình luận

    Tìm kiếm
    QuocHuy.8ead5971.png

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

    Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
    Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
    Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
    Điện thoại: 0207.6251.929
    © Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

    Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

     

    Thống kê truy cập
    Số người online:
    1
    Số lượt truy cập tháng:
    1
    Số lượt truy cập năm:
    1
    Tổng số truy cập:
    1
    Chung nhan Tin Nhiem Mang