Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Hàm Yên.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố thu hút gần 2.000 người tham gia. Kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó giúp người lao động nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng lao động vào làm việc.
Tại huyện Lâm Bình, công tác đào tạo nghề luôn được quan tâm chú trọng, bà Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho hay, trước khi mở các lớp đào tạo nghề Trung tâm đều khảo sát theo nhu cầu người học và gắn với nhu cầu xã hội hiện nay để nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi học xong. Hiện, 100% học viên khi học nghề tại trung tâm đều được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. 6 tháng đầu năm huyện tạo việc làm và chuyển đổi nghề cho 1.230/1.725 người bằng 71,3% kế hoạch tỉnh giao.
Đầu năm 2024, sau khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại thành phố Tuyên Quang, anh Phúc Văn Truyền ở xóm 8, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), đã tìm được việc làm trong lĩnh vực may mặc ở khu công nghiệp Long Bình An. Anh Truyền cho biết, mức thu nhập trung bình hiện nay hơn 6 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khác với anh Truyền, anh Hoàng Văn Lắm ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) lại chọn xuất khẩu lao động tại Slovakia 5 năm theo hợp đồng, đến nay đã làm việc được hơn 4 năm với mức thu nhập trung bình trên 40 triệu đồng/tháng. Anh Lắm đã tích góp được một khoản tiền để gửi về cho gia đình xây dựng lại ngôi nhà mới đẹp khang trang, đồng thời sắm thêm các đồ dùng thiết yếu trong gia đình và có một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng cho tương lai lâu dài.
Lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh, Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).
Đến nay Tuyên Quang đã tăng cường thu hút đầu tư vào khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang); chế biến gỗ, chế biến nông sản ở cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Yên Sơn; chế biến khoáng sản, chế biến chè, may mặc ở khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương); sản xuất linh kiện điện tử, nông sản xuất khẩu ở cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)… 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có gần 17.000 lao động được tạo việc làm mới, đạt trên 74% kế hoạch năm, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, lao động được tạo việc làm tại tỉnh là 10.650 người; lao động làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng là 617 người; lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước là 5.608 người. Trong số lao động mới làm việc tại tỉnh có 4.243 người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng là 3.294 người; ngành thương mại, du lịch, dịch vụ là 3.113 người.
Hiện nay, các cấp các ngành trong tỉnh đang tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tạo việc làm mới với quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2024 giải quyết việc làm cho trên 22.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ là 28%.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra năm 2024, nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được triển khai. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề và việc làm của người lao động để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp; chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các lớp học nghề theo địa chỉ, giúp nâng cao tỷ lệ học viên học xong có việc làm ngay.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội…
Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh