Kế hoạch phát triển bền vững cây chè Tuyên Quang đến năm 2030

25/10/2024 - 16:58
296
Cỡ chữ:

Ngày 24/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND về phát triển bền vững, đa giá trị cây chè đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng thiên nhiên, kinh tế - xã hội và truyền thống sản xuất của địa phương, đẩy mạnh ngành trồng chè, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và du lịch.

Người dân thôn Phia Chang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hái chè Shan tuyết

Mục đích ban hành Kế hoạch Phát triển bền vững, đa giá trị cây chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, cùng với truyền thống sản xuất lâu đời tại địa phương. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng chè và phát triển thương hiệu chè Tuyên Quang, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Theo Kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ duy trì ổn định diện tích trồng chè ở mức khoảng 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi dự kiến đạt 70.000 tấn/năm, và sản xuất 14.000 tấn chè thành phẩm mỗi năm. Đặc biệt, tập trung bảo tồn giống chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm, đồng thời phát triển các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến chè, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Các biện pháp như tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học và bảo vệ thực vật sinh học, cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tiên tiến như Rainforest Alliance, GAP, và hữu cơ, được áp dụng rộng rãi với mục tiêu đạt trên 26% diện tích chè trồng theo các tiêu chuẩn này. Tiếp tục trồng thay thế các giống chè cũ, già cỗi bằng các giống chè mới chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo tỷ lệ chè giống mới đạt trên 80%. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư cải tiến, đổi mới, thay thế dây chuyền, thiết bị chế biến chế biến hiện đại, chế biến sâu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; thực hiện chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP, HALAL,...  

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng trồng chè tập trung, đầu tư vào các biện pháp kỹ thuật thâm canh như sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa khâu thu hoạch và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, giống chè Shan tuyết sẽ được bảo tồn tại các huyện Lâm Bình và Na Hang, kết hợp phát triển du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm chè đặc sản​. Đa dạng hóa sản phẩm từ chè như chè túi lọc, chè bột matcha, Thảo dược và mỹ phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng​. Bên cạnh các nhà máy, cơ sở chế biến chè quy mô công nghiệp, cần bảo tồn, phát huy tốt các xưởng chè thủ công quy mô hộ gia đình gắn với văn hóa bản địa và sản phẩm đặc sản.

Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chè, đặc biệt là chè Shan tuyết Na Hang đã có chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ chè cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sản xuất chè được khuyến khích liên kết với các hợp tác xã và hộ gia đình trồng chè, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Chú trọng xây dựng các giải pháp cụ thể về tổ chức sản xuất, như thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu tập trung, phát triển chuỗi sản xuất bền vững, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và người trồng chè. Đào tạo và nâng cao năng lực cho các hộ trồng chè và hợp tác xã .

Để thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân được hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường bao gồm thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chứng nhận nhãn hiệu và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, sản xuất được kết nối với phân phối và tiêu dùng để tạo nên chuỗi giá trị bền vững và ổn định. Củng cố các kênh phân phối chính thống như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị và sàn giao dịch điện tử. Đối với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phù hợp cho chế biến...

Xem chi tiết kế hoạch tại file đính kèm.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

191 KH UBND.pdf

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang