Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang hiện nay đang thu hút người học từ việc nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, tích cực liên kết với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để khảo sát nhu cầu, thị trường lao động cũng như thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng nhằm tăng cơ hội có việc làm ngay cho học viên sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương thức đào tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Các chương trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong các kỳ thực tập, các em học sinh, sinh viên được rèn tay nghề, luyện tác phong làm việc nền nếp tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm trong vòng 6 tháng đạt trên 85%. Một số ngành nghề tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90% như: Công nghệ ô tô, kế toán doanh nghiệp, điện công nghiệp.
Anh Quan Văn Hậu, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, sau khóa học nghề hàn tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, anh đã được một công ty cơ khí ở thành phố Tuyên Quang nhận vào làm với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng. So với những công việc tự do anh đã từng làm, đây là mức thu nhập khá ổn định.
Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Hiện nay, các huyện, thành phố cũng triển khai đào tạo các ngành nghề trọng điểm, cơ cấu ngành đa dạng, phù hợp với thực tiễn địa phương. Theo ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa, hằng năm, Trung tâm đã tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khảo sát nhu cầu việc làm của người lao động, từ đó mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều lớp học thu hút đông đảo học viên như kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau màu, cây ăn quả, cơ khí hàn, kỹ thuật máy nông nghiệp. Quá trình học, các học viên được học lý thuyết với thực hành, gắn với thực tế, tăng khả năng ứng dụng kiến thức đã được học vào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Các học viên sau học nghề tại trung tâm đều được giới thiệu việc làm ngay. Hiện tại, các địa phương đang rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng học sinh THPT mới tốt nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đa dạng gồm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các chương trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, phù hợp với thực tế. Cùng với đó, tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm giúp người lao động nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng lao động vào làm việc.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố, thu hút gần 2.000 người tham gia. Kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Các đơn vị tư vấn, giới thiệc việc làm và học nghề cho người lao động, học sinh tại phiên giao dịch việc làm huyện Sơn Dương
Dự báo những năm tới, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao, nhất là ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp tăng. Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tăng cơ hội việc làm cho học viên sau tốt nghiệp là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Ngày 27/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 433-KH/TU ngày 6/1/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặt mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2030, toàn tỉnh thu hút 35% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 70% trở lên…
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ trong giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đồng thời, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”, thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng các hình thức liên kết về giáo dục nghề nghiệp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo và đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp. Từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp…
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh