Tuyên Quang chủ động phòng chống thiên tai
13/09/2016 22:22:00 Xem cỡ chữ: A+ A-
Mặc dù tiết trời đã sang thu nhưng chưa hết thiên tai do biến đổi khí hậu. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã hứng chịu 2 trạng thái trái chiều của thời tiết. Đó là tháng 5 và tháng 6, thời kỳ cao điểm của EI Nino thời tiết nắng nóng cực điểm, nhưng từ tháng 7 đến nay mưa nhiều là thời kỳ cao điểm của EI nina.
 Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tỉnh Tuyên Quang tuy ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng từ năm 2007 đến nay, hàng năm đều chịu ảnh hưởng của 3 đến 4 trận hoàn lưu bão hoặc rãnh thấp kết hợp với hoàn lưu bão. Theo thống kê, trong những năm gần đây các đợt thiên tai trên địa bàn tỉnh thường xảy ra rét đậm, rét hại, hạn hán, mưa đá kèm theo lốc, lũ lụt, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Thiên tai xảy ra đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông lâm nghiệp của bà con. Một số năm có những đợt rét điển hình: Vụ đông xuân năm 2008, năm 2011 rét đậm kéo dài 31 ngày. Riêng năm 2016 đợt rét hại kéo dài 7 ngày (từ ngày 22-1 đến ngày 28-1-2016) gây thiệt hại về đàn gia súc và diện tích mạ đã gieo cấy.
 
ĐVTN các cơ quan thuộc khối chính quyền huyện Chiêm Hóa  làm cầu dân sinh tại thôn Lung Luề, xã Linh Phú.

Hạn hán thường xảy ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, mức độ khác nhau, những đợt hạn nặng đáng kể thường xảy ra trong vụ đông xuân làm nhiều diện tích lâm vào tình trạng thiếu nước. Tình trạng mưa đá, lốc thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Trọng điểm là các xã vùng cao của các huyện: Nà Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và một số xã vùng thấp của huyện Sơn Dương.

Lũ sông Lô, sông Gâm xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Mỗi năm có từ 2 đến 3 trận lũ. Lũ sớm vào tháng 5, tháng 6 và lũ muộn vào tháng 9, tháng 10 đã gây thiệt hại tới sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đợt áp thấp mưa lớn xảy ra trên diện rộng, mực nước sông Lô lên cốt 25 m (mực nước đo tại thành phố Tuyên Quang) đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ trồng ngô trên vùng đất bãi.

Tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 trận thiên tai. Bao gồm 1 đợt rét hại, 2 trận mưa đá kèm lốc, 4 trận mưa lớn kèm gió lốc, 3 đợt ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão từ số 1 đến số 3 gây thiệt hại nặng nề lớn nhất về tài sản, nhà cửa, gia súc và hoa màu của nhân dân. Điển hình là 2 trận mưa đá kèm lốc xảy ra ngày 3-4 và ngày 17-4-2016 gây thiệt hại lớn đến 5 huyện, thành phố (trong đó huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên là thiệt hại lớn nhất).

Thiên tai đã khiến 3.625 nhà dân bị hư hại trong đó sập hoàn toàn 5 nhà, 19 công trình phụ trợ bị hư hỏng, 30 phòng học bị hư hỏng nặng; mưa, lốc đã làm thiệt hại hơn 276 ha lúa, 140 ha hoa màu; 1.331 ha cam đang ra hoa bị ảnh hưởng và 141 tấn cam chưa thu hoạch bị rụng; trên 132 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài 7 ngày của tháng 1 - 2016 đã làm chết hơn 223 con gia súc trên địa bàn 6 huyện (trong đó nặng nhất là huyện Nà Hang 100 con). Các trận mưa lớn, kèm gió lốc do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão số 1, 2, 3 tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp, nhưng cũng gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, gia súc và hoa màu của nhân dân, hư hỏng công trình cơ sở hạ tầng về thủy lợi, xây dựng, giao thông, các nhà văn hóa, trạm y tế xã, lớp học,... trên địa bàn tỉnh.

Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phương án duy nhất là chủ động ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra và khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau thiên tai. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai theo đúng phương án Kế hoạch 1075/KH-PCTT ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh quy định. Đồng thời quán triệt thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả.
 
Duy Hùng
  • Số người online: 1476
  • Số lượt truy cập: 47619277
  • Số lượt truy cập tuần: 92191
  • Số lượt truy cập tháng: 1258577