Chuyện Người Mông ở Làng Un

03/03/2020 - 17:38
195
Cỡ chữ:

Dân tộc Mông ở Làng Un, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn trong những năm gần đây, có sự đổi thay rất nhiều trong cách nghĩ, cách làm từ độc canh trồng ngô, sắn; nay đổi thay trồng rừng, trồng cây ăn quả. Đồng bào đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao ổn định cuộc sống như: Cam, bưởi, chuối, rừng, gừng… Từ biết đổi mới cách nghĩ, cách làm ăn nhiều hộ gia đình người Mông đã xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm đủ tiện nghi hiện đại trong gia đình có hộ sắm được ô tô con, ô tô tải làm phương tiện vận chuyển hàng nông sản phục vụ bà con trong thôn, xã.

Trồng cam ở Làng Un cho thu nhập ổn định.

No ấm nhờ đổi cách nghĩ, cách làm ăn mới

Đó là khẳng định của đồng bào Mông ở Làng Un, xã Kiến Thiết - đây thuộc xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã Kiến Thiết có gần 400 hộ dân tộc Mông, sinh sống ở 10/17 thôn trên địa bàn xã. Đồng bào sinh sống xen kẽ ở các thôn xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, có thôn xa trung tâm xã gần 20 km.

Trước đây, bà con chỉ phát rừng trồng ngô, tra lúa trên nương, nên cuộc sống bấp bênh. Nay thì đời sống của đồng bào đã “thay da đổi thịt”. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, từ chỗ chỉ biết độc canh cây ngô, bà con đã chuyển sang trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò sinh sản, trồng phong lan rừng, trồng chuối, trồng gừng...

Đến thăm gia đình, vợ chồng Vàng Seo Dũng (thôn Làng Un, xã Kiến Thiết) anh vui vẻ cho biết: Gia đình anh nuôi trồng một vườn cây cảnh phong lan rừng, hiện trong vườn có trên 300 giò, ngày Tết người chơi hoa đến mua đông hơn, thường giò nhỏ bán rẻ nhất cũng được 1,5 triệu đồng, giò to bán từ 4 đến 5 triệu đồng, Tết này anh dự tính bán 100 giò nhỏ, to thu khoản 300 triệu đồng từ tiền bán hoa lan rừng, là thành quả sau năm tháng miệt mài lao động anh ạ. Nhờ năng động, nhạy bén, đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm, gia đình Vàng Seo Dũng đã phát triển kinh tế gia đình ngày thêm khá giả.

Dẫn chúng tôi thăm quanh vườn phong lan, anh kể: Mấy năm nay nhờ trồng cây cảnh hoa lan rừng mà gia đình em có được thu nhập ổn định. Ngoài ra, em còn trồng các loại cây cam, chuối, gừng, rừng… cũng là những cây mũi nhọn cho gia đình có thu nhập đáng kể, nếu tính cả các loại cây trồng và chăn nuôi một năm gia đình em cũng thu được khoảng 400 triệu đồng, vừa giới thiệu giống hoa lan mới phi điệp, vừa vén lại mấy giò lan cho ngay ngắn nhìn giàn hoa lan đang xòe hoa khoe sắc tím, vàng thật đẹp mắt.

Rời nhà Vàng Seo Dũng, tôi và nhà văn Doãn Hồng Giang đi sâu vào bản người Mông ở Làng Un, gặp một tốp người Mông đang thu hoạch những quả cam cuối vụ, cam chín mọng và chuyển sang màu sám mật, hỏi chuyện Vàng Seo Xỏa, dân tộc Mông cả nhà anh đang mải miết phân loại những quả cam chín mọng, rồi đóng vào hộp bán cho thương lái, chủ thương lái là người ở xuôi Hải Dương, lên thu mua để vận chuyển vào Sài Gòn tiêu thụ, anh khiêm tốn bảo: Năm nay gia đình em dự tính thu khoảng 30 tấn quả, hiện gia đình em đang bán với giá từ 12.000 đồng đến 15000 đồng một kg, anh Xỏa vừa đóng hàng vừa giới thiệu. Cam người Mông chúng em, trồng trên núi đá rất mọng nước, thơm ngon ngọt lắm vớ, nói rồi anh nhanh nhảu nhặt mấy quả gọt, mời chúng tôi thưởng thức, ăn một miếng hương vị cam núi đá ở đây thơm, ngon và ngọt lịm, ai đã một lần ăn vào chắc nhớ mãi hương vị cam núi này. Anh cho biết thêm:

“Ngày mới dọn nương ngô trồng cam, vợ chồng con cái nhà em ngày nào cũng lên nương xếp đá vào góc để lấy đất trồng, sau này mới biết không cần, đất lẫn đá trồng cam mới tốt. Sau 4 năm, cây cam bắt đầu cho quả và được thu hoạch, sang năm thứ 6 thì thực sự bội thu, vợ chồng em đã có nguồn thu nhập đáng kể”!

Cắt quả cam to, mọng, bỏ vào Lù cở (gùi - thổ hoặc địu), chị Vàng Thị Cho, bảo: Việc trồng cam “Người Mông mình trước đây chưa biết chăm sóc, nên quả cam chưa to đều như ngoài chợ nhưng ngọt lắm vớ! Từ ngày Làng Un có cam, người Mông không mua cam ở chợ nữa, mà ăn cam của nhà tự trồng tốt hơn. Từ khi cây bói quả, nhà mình tiến hành chăm sóc phun thuốc mỗi một lần lúc quả còn bé bằng đầu ngón tay để giữ quả. Năm trước, mình cũng được cán bộ về bảo cách trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên quả cam to đều nhau, bán cũng đắt giá hơn”.

Giữ gìn bản sắc người Mông

Đến Làng Un, Kiến Thiết vào một ngày đầu năm Canh Tý, khi cái lạnh nơi rẻo cao này rét như “cắt da cắt thịt”, nhưng trong lòng chúng tôi lại được sưởi ấm, bởi tháng Giêng này thấy bà con người Mông ở Làng Un đã có lúa, ngô đầy bồ, các nông sản phơi chật sân, từng tốp người xe máy thồ đầy những bao tải gừng mang đi tập kết ở nhà một thương lái. Lẫn trong màn sương mù giăng phủ trên những rặng cây, sườn núi là ngôi nhà của bà Thào Thị Trà, 80 tuổi - người già tuổi ở Làng Un. Bà thắng bộ đồ truyền thống dân tộc Mông, hoa văn trên trang phục tươi màu vẫn mang hương sắc của mùa xuân mới, trông bà trẻ hơn ở cái tuổi 80, bà cùng chị Thào Thị Cho thêu hoa văn trên vải, say sưa kể về tục ăn tết của người Mông; Ngày xưa, người Mông ăn tết sớm lắm, kéo dài cả tháng Giêng, bởi Tết là uống rượu, ca hát, múa khèn Mông, khèn lá, mất nhiều thời gian lắm nè, cuộc sống cứ bê tha suốt cả tháng giời. Giờ người Mông không ăn Tết sớm và kéo dài cả tháng như xưa nữa, mà ăn Tết theo người Tày, người Kinh trong xã cho đoàn kết và tiết kiệm. Tết của người Mông, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng. Ngày mùng 6, người Mông bắt đầu lên nương lao động sản xuất khai xuân cho năm mới. Những thủ tục cúng bái, lễ lạt rườm rà như trước cũng được cải tiến, tục uống rượu say cũng đã được loại bỏ…

Dù có những đổi thay cho phù hợp với cuộc sống mới, nhưng ngày Tết người Mông vẫn giữ được những phong tục cổ truyền của đồng bào mình. “Người Mông giữ tục đụng lợn, từ khoảng 20 tháng Chạp là từng nhà trong thôn thay nhau mổ lợn nuôi trong năm chia nhau ăn để thêm vui vầy. Trong những ngày Tết, bếp của người Mông luôn đỏ lửa. Đặc biệt, lễ cúng Giao thừa trong đêm 30 không thể thiếu con lợn sống hoặc con gà sống”.

Cuộc sống đã đổi thay, đồng bào Mông ở Kiến Thiết đã không còn phải ăn mèn mén trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng món ăn làm từ ngô vẫn là thứ ẩm thực có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Người Mông có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô. Nhưng, ngày Tết cổ truyền không thể thiếu bánh Láo Khoải (mèn mén). Do truyền thống định cư kiểu đồng tộc, dòng họ, mỗi dịp Xuân về đồng bào lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh Láo Khoải to để nhớ nguồn cội.

Thôn Làng Un có 85 hộ, người Mông chiếm trên 80% các dân tộc khác. Hiện, Làng Un là một trong những thôn người Mông có thu nhập cao nhất xã, nên người dân ở đây ngày càng khấm khá, có hộ xây được nhà 2 tầng, mua được xe ô tô…Trẻ con ở đây đến tuổi được đi học từ mầm non.

Một ngày ở Làng Un đã cho chúng tôi nhiều cảm nhận về sự nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng Mông ở bản vùng sâu xa này; ghi nhận được niềm tin sắt son của đồng bào với Đảng, đi theo Đảng, làm theo lời Đảng để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, đi tới tương lai tươi sáng. Xin được mượn lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng” của tác giả Thanh Phúc cho đoạn kết của bài báo này: Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát/Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay sống nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/Nhớ ơn Đảng đưa tới/Ta từ nay ấm no/Không bỏ rẫy, đốt nhà mà lang thang nghèo suốt đời/Từ nay dân Mèo sống chung/Bản Mèo vui trong tiếng khèn/Người Mèo ơn Đảng suốt đời. 

                                                                                                Minh Đoàn

 

 

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang