Tuyên Quang: Phát triển thương mại điện tử đi đôi với nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước

25/05/2017 - 20:21
306
Cỡ chữ:

Sau 05 năm thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND tập trung phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động TMĐT trên địa bàn đã có những bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò quan trọng, đã và đang đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, phù hợp với xu hướng và tình hình phát triển thương mại chung của khu vực và cả nước.



Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hoạt động hiệu quả, trở thành sân chơi
hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.
 
Thành công trong ứng dụng TMĐT

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý và đặc biệt là phục vụ công tác cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công được quan tâm chú trọng và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện thủ tục đăng ký cho 669 doanh nghiệp thành công (ở mức độ 2) trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ ngày 01/7/2010. 100% các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có mạng nội bộ (LAN), trên 90% cơ quan, đơn vị thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng.

Toàn tỉnh hiện có 39 trang web riêng của các cơ quan, đoàn thể, sở, ban, ngành, trong đó, Sàn Giao dịch Thương mại điện tử Tuyên Quang đang trở thành sân chơi hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá về doanh nghiệp, về sản phẩm trên mạng Internet. Trong hoạt động kê khai thuế và nộp thuế điện tử, đã có 1.115 doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng; 1.047 doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử thành công.

Nhận thức về vai trò, lợi ích của thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh được quan tâm và triển khai ứng dụng rộng rãi. Các website bán hàng trực tuyến như: Bưu điện tỉnh, Siêu thị Tuyên Quang (thuộc Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang), Cửa hàng Đồng hồ Đức Chính... đang được các doanh nghiệp tập trung phát triển. Hệ thống thông tin, viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh thời gian qua được đầu tư, hiện đại hóa, với mạng lưới rộng khắp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và Internet có chất lượng cao với nhiều loại hình đa dạng phong phú phục vụ khách hàng, tạo thuận lợi cho việc phát triển công nghệ thông tin và TMĐT trong thời gian tới.

Hệ thống các ngân hàng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, sử dụng có hiệu quả hệ thống thanh toán điển tử liên ngân hàng và hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng, lắp đặt máy giao dịch tự động ATM và các trang thiết bị phục vụ thanh toán khác phục vụ giao dịch. Tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có 46 máy ATM, 82 máy POS, số lượng thẻ do 06 ngân hàng thương mại của tỉnh đã phát hành là 153.846 thẻ, đã có 654/981 cơ quan, đơn vị thực hiện trả lương qua thẻ (đạt 68%), 6/6 ngân hàng thương mại đã triển khai dịch vụ thuế điện tử.

Tuy nhiên, dù thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã phát triển đạt được những kết quả tích cực nhưng trong triển khai vẫn còn ở mức nhỏ, sơ khai, sự hỗ trợ, tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển còn hạn chế, đặc biệt là việc ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Mục tiêu và giải pháp thực hiện

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đề ra mục tiêu cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh các dịch vụ công trực tuyến; 100% cán bộ quản lý nhà nước biết đến lợi ích của thương mại điện tử; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện quản lý văn bản trên môi trường mạng, đồng thời triển khai áp dụng đến cấp xã; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; 30% dịch vụ công liên quan tới thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh được cung cấp trực tuyến mức độ 4 vào năm 2020; 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được nộp qua mạng; 95% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%; Kết nối đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh...

Phấn đấu đến năm 2020, trên 20% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 50% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu đạt 30% cá nhân, hộ gia đình thành phố, thị trấn trong tỉnh có sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; 15 % dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình khoảng 175 USD/người/năm và giao dịch thương mại điện tử B2B chiếm ít nhất 10% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT thông qua các hoạt động truyền thông như báo giấy, báo điện tử, trên truyền hình, phát thanh của địa phương. Tăng cường tổ chức tập huấn ngắn hạn, các buổi hội thảo, hội nghị về TMĐT cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh về TMĐT theo từng đối tượng và lĩnh vực kinh doanh. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh dịch vụ cho thuê tính toán, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông khác. Tiến hành hỗ trợ xây dựng các Website thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp mũi nhọn, hoạt động xuất khẩu quan trọng của tỉnh và tiếp tục duy trì, phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và cải cách thủ tục hành chính tăng cường mức độ, phạm vi cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Xây dựng phần mềm dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực cấp phép, cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan Nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Quang Sơn

    bình luận

    Tìm kiếm
    QuocHuy.8ead5971.png

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

    Chịu trách nhiệm chính: Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Trưởng Ban biên tập
    Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, tỉnh Tuyên Quang
    Điện thoại: 0207.6251.929
    © Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

    Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

     

    Thống kê truy cập
    Số người online:
    1
    Số lượt truy cập tháng:
    1
    Số lượt truy cập năm:
    1
    Tổng số truy cập:
    1
    Chung nhan Tin Nhiem Mang