Các thành viên của hợp tác xã chè Liên Phú, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương tập chung thu hái chè.
Tại làng nghề chè Liên Phương những ngày này các thành viên của hợp tác xã đang tập trung thu hoạch chè búp tươi để kịp cho ra những mẻ chè thơm ngon. Gắn bó với hợp tác xã chè Liên Phú từ năm 2017, bà Đặng Thị Loan, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương cho biết, bà và các thành viên trong HTX đều tuân thủ chặt chẽ các quy định từ khâu chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Hậu, Giám đốc hợp tác xã chè Liên Phú, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương chia sẻ, được thành lập năm 2017 với 9 thành viên và được huyện hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5ha. Đến nay vùng nguyên liệu đã phát triển lên 13ha từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ người dân đã phát triển sang kinh tế tập thể và tuân thủ quy trình trồng chè sạch để nâng cao chất lượng và mở rộng tiêu thụ. Hiện nay sản phẩm chè búp khô của hợp tác xã có giá từ 100 - 120 nghìn đồng/1kg. Với mục tiêu gắn sao OCOP cho sản phẩm chè để từng bước đưa sản phẩm ra các thị trường tiêu thụ lớn HTX chè Liên Phú đã tập chung phát triển chè nguyên liệu tại chỗ, gắn với chế biến chè an toàn, HTX đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục về bao bì mẫu mã để tham ra đánh giá sản phẩm OCOP năm nay.
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Trưởng thôn Liên Phương cho biết, thôn có 88 hộ, thì có đến hơn 70 hộ trồng, sản xuất, chế biến chè. Là vùng đất đỏ Bazan nên trồng chè rất thích hợp, cây chè đã được người dân trong thôn trồng từ năm 1970, đến nay thôn có khoảng 13ha chè. Chúng tôi tiếp tục phát triển diện tích chè khi mà có thương hiệu, có thị trường tiêu thụ vì cây chè đang là nguồn thu nhập cao nhất trong các cây nông nghiệp hiện nay tại địa phương. Cùng với việc xây dựng mô hình sản xuất chè sạch, thôn Liên Phương cũng đang nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm chè của làng nghề, xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để sớm đưa sản phẩm chè tham gia các hội chợ thương mại.
Hiệu quả kinh tế mà cây chè đang mang lại giúp bà con ở xã Phúc Ứng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP chất lượng được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn, đây là tiền đề giúp người dân, nhất là người dân trồng chè ở Phúc Ứng nâng cao thu nhập phát triển kinh tế bền vững góp phần quan trọng trong phát triên kinh tế, xã hội của địa phương.
PV