“Cõng” chè quý lên núi cao

Mô hình trồng chè Shan tuyết của gia đình chị Đặng Thị Liên, bản Phia Trang.
Ước tính ở hai bản Phia Trang và Nà Cọn, số lượng cây chè Shan Tuyết cổ thụ lên tới cả nghìn cây. Đây là một giống cây bản địa đặc sắc mà người dân giữ gìn như “báu vật”. Những người cao tuổi ở đây kể lại rằng, đã từ lâu việc thu hái và thưởng chè đã trở thành một nét văn hóa của người Dao trên mảnh đất này. Những tách trà vàng óng thấm đượm hương sắc núi rừng là lời chào nồng ấm khi đón khách, là nghĩa tình khi trai gái giao duyên mời cha, mời mẹ, tách trà thơm đã đi vào cuộc sống của người dân một cách bình dị như thế.
Bắt đầu từ năm 2002, người dân nhận thấy bên cạnh việc sản xuất chè phục vụ cho cuộc sống hàng ngày thì nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, việc thu hái tự nhiên không đủ để cung ứng cho các lò sấy thủ công. Hơn nữa, nếu chỉ thu hái từ các cây chè có sẵn mà không có chủ trương bảo vệ, bảo tồn thì sẽ nhanh chóng làm suy kiệt chất lượng chè nên người dân đã tập hợp lại xây dựng tổ hợp tác để trồng và chế biến chè Shan tuyết thương phẩm.
Anh Đặng Quý Trình, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và chế biến chè bản Phia Trang chia sẻ, chè ở quê anh là giống chè đặc sản, cần được nhân rộng để mang về nguồn lợi kinh tế, anh cùng với một số người bạn bắt tay thành lập tổ hợp tác trồng và chế biến chè. Cây chè Shan Tuyết được người dân ở đây trồng đa phần là nhân giống bằng hạt, không như những giống chè khác trồng bằng cách giâm cành, cây nhanh lớn và sớm cho thu hoạch hơn. Lý giải về điều này, anh Trình cho biết, các cây chè cổ thụ do đã nhiều tuổi nên cành của chúng không thích hợp để giâm và tỷ lệ thành công khi giâm cành cũng chỉ đạt khoảng 30% đến 40%. Trong khi đó, những cây được trồng bằng hạt đều có sức sống mãnh liệt, chống chịu với thời tiết tốt hơn nên dù lâu năm bà con ở đây vẫn chọn cách gieo hạt, ươm mầm.
Hiện nay, ở 2 bản có 21 ha chè Shan Tuyết cho thu hoạch thường xuyên, trong đó riêng bản Phia Trang có 17 ha. Việc nhân giống cũng tiến hành thuận lợi nhờ bà con đã đúc rút được kinh nghiệm trong hơn 15 năm qua. Nói về việc trồng chè, anh Triệu Văn Nhậy, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và chế biến chè bản Nà Cọn chia sẻ, để cho ra đời cây con có chất lượng, bà con đã chọn ra những cây chè cổ thụ có sức sống tốt nhất, cho ra búp đều đặn và không có sâu bệnh để lấy hạt. Hạt chè khi mang về ngâm trong nước lạnh nửa ngày, chọn hạt chìm để gieo, đất gieo hạt cần có độ ẩm vừa phải, tránh tưới quá nhiều làm hư hạt. Khi hạt đã nảy mầm cần che đậy kỹ lưỡng để không hại đến mầm non, đồng thời tỉa đi những cây còi cọc, chậm lớn. Sau 2 đến 3 tháng là có thể đem trồng cố định, lúc này là lúc mà người trồng vất vả nhất, phải tìm địa điểm phù hợp với cây nên phải chọn những sườn núi, sườn đồi có độ dốc lớn, ở vị trí cao bởi chè Shan tuyết ưa khí hậu lạnh, cây chậm lớn khi mọc ở những vùng đất thấp. Sau khi chọn được vị trí thuận lợi thì tiến hành đào hố trồng, bón lót phân ủ vào hố ở những nơi đất xấu. Cứ thế bà con cặm cụi, cần mẫn mang những cây chè lên non, làm thay công việc nhân giống của tự nhiên. Khi những giọt mồ hôi nơi này thấm vào thớ đất cũng là lúc cây chè vươn mình đón nắng phát triển mạnh mẽ.
Nhờ vào những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, cây chè phát triển rất tốt, chỉ sau 3 năm đã cao ngang đầu người và sau 5 năm đã có thể thu hái. Giống chè này cũng rất đặc biệt, dù có chặt hay đốn sát gốc thì những chồi mới cũng mọc lên rất mạnh mẽ, cho nên hiện nay, gốc chè của các hộ dân đều duy trì độ cao khoảng 2 m chứ không để thấp như các loại chè khác.
Ước mơ về thương hiệu chè Shan Tuyết

Các thành viên Tổ hợp tác trồng và chế biến chè thôn Phia Trang trao đổi cách trồng và chế biến chè Shan tuyết.
Đường điện đã được kéo về đến trung tâm của hai bản Phia Trang, Nà Cọn. Hiện nay bà con đã được tận hưởng niềm vui có điện lưới quốc gia. Điện về là một bước đà thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất của nhân dân. Những lò sấy chạy bằng sức người, bằng điện máy nổ không ổn định sẽ được thay thế bằng dây chuyền hiện đại, cho năng suất cao hơn. Không chỉ có vậy, nhờ có điện các thông tin về khoa học kỹ thuật, khuyến nông, thời tiết sẽ được người dân cập nhật thông qua các thiết bị truyền thanh, truyền hình, từ đó nắm được nhiều kiến thức về sản xuất, kinh doanh.
Chị Vàng Thị Nãi, thành viên Tổ hợp tác trồng, chế biến chè bản Phia Trang chia sẻ, trước đây sao chè bằng điện của máy nổ rất tốn kém, lại không ổn định nên tổ hợp tác chưa thể mở rộng được quy mô sản xuất. Dự kiến trong thời gian tới tổ sẽ đầu tư một dây chuyền sấy chè mới cho hiệu quả cao hơn. Để đưa sản phẩm tới khách hàng, bên cạnh sự chủ động của người dân thì còn cần sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, nhất là trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Nhiều tỉnh lân cận đã có thương hiệu chè Shan Tuyết như chè Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái), chè Shan tuyết Phìn Hồ (Hà Giang)… Đây đều là những thương hiệu đã tạo được dấu ấn trên thị trường, có một lượng khách hàng ủng hộ lớn và ổn định. Cây chè Shan Tuyết ở Phia Trang, Nà Cọn khi được đăng ký thương hiệu chắc chắn sẽ được quảng bá một cách hiệu quả hơn rất nhiều. Một điều thú vị nữa là người dân ở đây tuyệt đối không hái những búp chè chưa đạt độ ngon cần thiết. Quá trình sao chè chú trọng củi và lửa để sinh ra một lượng nhiệt phù hợp, ra chè thành phẩm vẫn mang hương thơm độc đáo của đại ngàn.
Anh Hà Văn Ngụy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, hiện nhu cầu sử dụng các sản phẩm chè sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường là rất lớn. Vì vậy, nếu tổ chức tốt khâu sản xuất để sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn thì chè Shan Tuyết Sơn Phú sẽ có giá trị rất cao và sẽ là nguồn thu nhập lớn cho địa phương. Trước mắt, xã sẽ tích cực đề nghị các ban, ngành của huyện quan tâm hơn nữa đến việc triển khai các đề tài khoa học nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển vùng chè cổ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân quan tâm nhân giống, chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo đúng quy trình kỹ thuật để chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo.
Chè Shan Tuyết là món quà mà thiên nhiên dành tặng cho con người nơi đây, đã và đang được bà con nâng niu, gìn giữ. Những cây chè đang phủ xanh những triền đồi, triền núi mang tới cuộc sống no đủ hơn cho bản làng. Hy vọng, trong một tương lai không xa, sản phẩm chè Shan Tuyết bản Phia Trang, Nà Cọn sẽ được khách hàng không chỉ trong tỉnh mà được cả nước biết đến.
Theo TQĐT