Trên cơ sở kết quả của 92 cuộc Triển lãm đã được tổ chức tại 59 tỉnh, thành phố, 11 điểm đảo, huyện đảo và 22 đơn vị lực lượng vũ trang trong cả nước, ngày 26/9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại tỉnh Tuyên Quang từ ngày 26/9/2017 đến ngày 30/9/2017.
Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; trong đó có 4 tập bản đồ (Atlas) và 30 bản đồ do Nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử chỉ rõ Trung Quốc không quản lý 2 quần đảo này, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các Atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong Atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các Atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các Atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản các Atlas này vào các năm 1917, 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc” như họ vẫn tuyên bố hiện nay.

Các đồng chí đại biểu tham quan Triển lãm.
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày 10 nhóm tư liệu chính, hệ thống lại cho nhân dân, kiều bào nước ngoài thấy rõ sự xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa thông qua các phiên bản Hán nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ do các triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành. Bên cạnh phương pháp trưng bày truyền thống, triển lãm lần này còn sử dụng phương pháp trưng bày mới dựa trên công nghệ thực tại ảo 3D để khách tham quan trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu sâu sa về sa bàn hệ thống của đảo Trường Sa và một số tư liệu hiện vật khác chưa có tại triển lãm, nhằm tăng cường thêm tính trực quan, sinh động và hấp dẫn, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền của biển đảo.

Đông đảo đoàn viên thanh niên tham quan Triển lãm.
Triển lãm dành một vị trí quan trọng trưng bày tư liệu về “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam”. Nội dung này được thể hiện rất sinh động thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Điều này thể hiện qua các phong trào, chương trình hoạt động hướng về Hoàng Sa, Trường Sa như: Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa; triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương.... Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày một số hình ảnh về quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Tuyên Quang; hình ảnh về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các em học sinh trải nghiệm công nghệ thực tại ảo 3D tại Triển lãm.
Em Nguyễn Thị Ánh, học sinh lớp 10 văn, Trường THPT Chuyên chia sẻ: em rất vui vì được tham quan triển lãm đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Qua triển lãm, em đã nắm được rất nhiều tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Em hi vọng những buổi triển lãm tương tự sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn nữa.
Đồng chí Ma Phúc Dự, Phó Bí thư tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Triển lãm đã cung cấp những bằng chứng lịch sử quan trọng của cha ông về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Qua triển lãm này, giúp cho cán bộ, đoàn viên thanh niên và nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi luôn ủng hộ những chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam và sẽ góp sức trong việc tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên thanh niên và nhân dân để mọi tầng lớp nhân dân có ý thức giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố. Bản đồ và tư liệu trưng bày tại Triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Sau triển lãm, toàn bộ hình ảnh, tư liệu sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng cho tỉnh để tiếp tục giới thiệu đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặng Thủy