Bảo tồn văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

16/10/2024 - 09:40
64
Cỡ chữ:

Những năm qua, cùng với xây dựng nông thôn mới (NTM), các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa đã được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực. Nhiều nhà văn hóa thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng, tạo không gian cho người dân phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao. Nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Vượt qua thách thức

Giai đoạn 2021-2025 có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai.... Đặc biệt triển khai Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo với nhiều chỉ tiêu, có tiêu chí yêu cầu cao hơn giai đoạn trước. Dự báo trước khó khăn nhưng Tuyên Quang vẫn đặt ra mục tiêu cao cho năm 2024 là phấn đấu có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và phấn đấu đến 2025 có thêm huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện NTM.

Mục tiêu đặt ra có 95/122 xã về đích NTM đạt 77,86% cao hơn so với mục tiêu đề ra tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (miền núi phía Bắc là 60%). Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh chú trọng đến chất lượng trong xây dựng NTM, để những vùng nông thôn thành nơi đáng sống.

Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thượng Minh (Hồng Quang - Lâm Bình) được xây dựng theo kiến trúc nhà truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Xuân Hùng, quan điểm của tỉnh trong xây dựng NTM là không rập khuôn mà khai thác thế mạnh, đặc trưng của mỗi địa phương. Trong đó, các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền được phát huy chứ không “mặc đồng phục” cho tất cả. Khi triển khai vào thực tế, các địa phương cũng rất sáng tạo trong chọn mô hình phát triển sản xuất đến xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn những nét đặc sắc về văn hóa bản địa góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng NTM”, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và phòng chống rác thải nhựa”, Đề án xoá nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo… Bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM còn được người dân thể hiện rõ qua việc tuân thủ, tôn trọng quy ước, hương ước tại khu dân cư...

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận 17 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu; toàn tỉnh đã có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM (chiếm 60,3% tổng số xã); tiêu chí xây dựng NTM đạt bình quân trên xã hiện tại là 15,7 tiêu chí/xã. 

Du khách check-in tại cổng Làng văn hóa du lịch Nà Tông (Lâm Bình) là 1 trong 130 bản làng du lịch của 11 nền kinh tế APEC được Ban Thư ký APEC chọn quảng bá giới thiệu du lịch trên website APEC.

Bà Triệu Thị Sướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ: "Với sự định hướng của chính quyền địa phương, bà con trong bản tích cực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhiều hộ trong bản mạnh dạn đầu tư dịch vụ homestay phát triển kinh tế của gia đình, xây dựng làng, bản sạch đẹp thành những bản làng đáng sống”. 

Văn hóa động lực cho sự phát triển

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đảm bảo NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho người dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người", là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh. 

Nghi lễ hát Quan làng trong Lễ cưới của dân tộc Tày tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang 2024.

Bám sát mục tiêu trên, Tuyên Quang chú trọng khai thác, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc, xem đó là tài sản quý cần bảo vệ và phát huy để nông thôn không chỉ giàu, đẹp mà còn đậm đà bản sắc văn hóa. Giai đoạn từ năm 2019-2024, tỉnh đã thực hiện phục dựng Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; lễ hội truyền thống đình Động Sơn của người Cao Lan, xã Chân Sơn (Yên Sơn); phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ… Không chỉ phục dựng các lễ hội truyền thống, tỉnh Tuyên Quang còn khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các lễ hội độc đáo như: Lễ hội Thành Tuyên - Lễ hội đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có mô hình đèn Trung Thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam. 

Đến nay, toàn tỉnh có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt có di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh hiện có 43 lễ hội, trong đó có 3 lễ hội văn hóa và 40 lễ hội truyền thống; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; trên 80 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính; 6 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 25 câu lạc bộ bảo tồn và giữ gìn bản sắc của dân tộc Cao Lan…

Trong quá trình xây dựng NTM, ngoài những tiêu chí cứng, các địa phương trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đến các tiêu chí văn hóa, nhất là trong xây dựng và phát huy công năng của các thiết chế văn hóa. Tiêu biểu, tại các xã, các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… không ngừng được nhân rộng. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nông thôn được chú trọng; góp phần xây dựng NTM theo hướng hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa./.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tầng 2, Trung tâm Hội nghị tỉnh, số 219 đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang