Anh Lục Quang Vĩ (bên trái ảnh) được vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/NĐ-CP để phát triển chăn nuôi.
Tại xã Hòa An (Chiêm Hóa) hiện đã có 20 hộ được vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ với tổng số tiền là 990 triệu đồng; trong đó, cho vay hỗ trợ đất ở là 640 triệu đồng/16 hộ vay, cho vay chuyển đổi nghề là 350 triệu đồng/4 hộ. Gia đình anh Lục Quang Vĩ, thôn Làng Rèn 2, xã Hòa An (Chiêm Hóa) rất phấn khởi khi được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, từ số tiền 100 triệu đồng được vay với lãi suất ưu đãi từ Chương trình cho vay chuyển đồi nghề theo Nghị định 28, anh Vĩ đã đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi dê và lợn thương phẩm. Nhờ đó, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Anh Hà Văn Dư, dân tộc Tày, thôn Pắc Cháng, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua sinh sống trong ngôi nhà đã xuống cấp. Đầu năm 2022 được cán bộ Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn chương trình hỗ trợ nhà ở số tiền 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Cùng với nguồn vốn tích góp gia đình đã xây dựng được một ngôi nhà cấp 4 với diện tích 70m2, đẹp kiên cố.
Ngôi nhà mới được gia đình anh Hà Văn Dư xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 28.
Niềm vui không chỉ đến với gia đình anh Vĩ, anh Dư và nhiều hộ gia đình khác, từ nguồn vốn Chương trình cho vay theo Nghị định 28, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng nhà ở và chuyển đổi nghề để chăn nuôi, trồng rừng. Ông Vũ Đình Phong, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chiêm Hóa chia sẻ, theo Nghị định 28 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo dân tộc thiểu số hoặc hộ nghèo cư trú ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo Nghị định này.
Cũng theo ông Phong, là một trong những đơn vị phụ trách phân bổ vốn đảm bảo an sinh xã hội thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, thời gian qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với các địa phương tiến hành tuyên truyền tới nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm và giải ngân kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CXSH huyện Chiêm Hóa đã cho vay 187 hộ vay từ nguồn của Nghị định 28, với tổng số tiền là 8 tỷ 200 triệu đồng.
Sau thời gian triển khai Nghị định 28 của Chính phủ, có thể thấy nguồn vốn vay đã tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các địa phương có thêm vốn để xây dựng nhà ở, phát triển thêm nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập, tạo đòn bẩy để thoát nghèo bền vững. Có thể thấy chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là ở vùng khó khăn. Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chiêm Hóa sẽ nỗ lực giải ngân các nguồn vốn kịp thời, đảm bảo hiệu quả./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh