Để từng bước nâng cao đời sống đồng bào, huyện đã quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS và miền núi. Đồng chí Ma Thị Nhung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa cho biết, hàng năm, Phòng luôn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con. Từ đó, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành dân tộc các cấp để điều chỉnh, quyết sách nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế, phát huy hiệu quả, giúp đồng bào cải thiện, nâng cao đời sống.
Giai đoạn 2019-2024, trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 10 Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng vốn kế hoạch được UBND tỉnh giao trên 378 tỷ đồng, tiến độ giải ngân đạt yêu cầu kế hoạch. Trong đó, đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho trên 310 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.943 hộ; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư xây dựng 5 công trình trường học, 97 công trình giao thông “kiên cố được trên 100km đường bê tông”, 9 công trình thủy lợi, 5 công trình nhà văn hóa; xây dựng 3 mô hình văn hóa truyền thống…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hiệu quả 1 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với kinh phí 2,7 tỷ đồng; 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng với kinh phí 9 tỷ đồng… cùng nhiều dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; thực hiện nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa kiểm tra mô hình chuỗi liên kết sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Tân Mỹ.
Huyện cũng tập trung nguồn lực của các chương trình, dự án để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho người dân có thêm tư liệu sản xuất, việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững, có điều kiện cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thẩm định cho trên 14,8 nghìn hộ DTTS vay vốn ưu đãi với kinh phí trên 600 tỷ đồng; trên 6,6 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là DTTS với kinh phí trên 350 tỷ đồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế cũng được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực. Chiêm Hóa đã tập trung lựa chọn xây dựng 2 sản phẩm du lịch đặc trưng là Du lịch thác Bản Ba gắn với du lịch cộng đồng; Du lịch Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được mở rộng và phát triển. Trong 5 năm qua, Chiêm Hóa đã rà soát, cấp trên 362,2 nghìn lượt thẻ khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn; thực hiện khám, chữa bệnh cho trên 35 nghìn lượt người DTTS, tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất.
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS đã góp phần không nhỏ làm đổi thay diện mạo nông thôn ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các chính sách đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân toàn huyện nói chung và của hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS nói riêng, tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển bền vững.
Bà con dân tộc Tày xã Trung Hà (Chiêm Hóa) gìn giữ làn điệu Then gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đến nay, kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 9.776 hộ (đầu năm 2022) xuống còn 6.252 hộ (cuối năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 5%. 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; 100% số thôn có điện lưới quốc gia; số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%; tỷ lệ các thôn bản có nhân viên y tế kiêm cộng tác viên dân số hoạt động đạt 99,4%...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Tân, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.
Cùng với đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Huyện đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2029, thu nhập bình quân người DTTS bằng 90% bình quân chung cả huyện; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 10%; 100% xã thuộc vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 60%…
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh