Ông Hà Hữu Mao, thôn Ngõa, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chăm sóc vật nuôi.
Ông Hà Hữu Mao, thôn Ngõa, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) cho biết, gia đình hiện có 6 con trâu nên ngay khi chuẩn bị bước vào mùa đông năm nay, gia đình ông đã chủ động tu sửa chuồng trại, thường xuyên giữ chuồng trại chăn nuôi khô ráo. Ngoài chuẩn bị thức ăn tươi từ cỏ voi, ông còn dự trữ rơm khô, ủ chua ngô sinh khối để làm thức ăn cho vật nuôi vào những ngày giá rét.
Tổng đàn trâu, bò của huyện Chiêm Hóa là trên 20 nghìn con, là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về tổng đàn. Ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Để chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông sắp tới, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các phương án, phân công cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên bám nắm cơ sở, tuyền truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, trồng cây ngô đảm bảo diện tích, chăm sóc số diện tích cây thức ăn như: cỏ voi, cỏ ghi nê, cỏ VA06... để có đủ thức ăn cho trâu, bò; tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô để chế biến dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô để sử dụng trong mùa đông sắp tới.
Bà Trần Anh Đào, cán bộ khuyến nông xã Thái Bình (Yên Sơn) cho biết, xã có tổng đàn trâu, bò trên 600 con, trước khi bước vào mùa đông năm nay chúng tôi đã hướng dẫn bà con khi nhiệt độ xuống thấp thì không nên chăn thả trâu, bò ngoài đồng và cần che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn cho vật nuôi và bổ sung thêm thức ăn để vật nuôi tăng sức đề kháng trong mùa đông.
Người dân xã Sơn Phú (Na Hang) chăm sóc vật nuôi.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 100 nghìn con trâu, bò… để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và đói, rét khi bước vào đầu vụ thu đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án phòng chống đói rét cho trâu bò và chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp các địa phương hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cây thức ăn cho trâu, bò; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ thân cây ngô, lá mía chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô để nơi có mái che và có chuồng trại cho trâu, bò trong mùa đông.
Đồng thời, gia cố chuồng trại cho vật nuôi trước khi vào vụ Đông Xuân để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm.
Từ đó, giúp duy trì và phát triển ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Việc chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong mùa rét, không chỉ duy trì ổn định, phát triển đàn gia súc mà còn góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh