Trường THPT Hàm Yên (Hàm Yên) hiện có 39 phòng học với gần 1.500 học sinh. Trường có 1 phòng máy vi tính, 1 phòng học màn hình tương tác thông minh. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị đầy đủ máy tính, ti vi kết nối internet ở 34 phòng học; triển khai các phần mềm quản lý nhà trường VnEdu; sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, bài giảng điện tử, thí nghiệm ảo, các phần mềm dạy học... Thầy Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi trong việc hoàn thành cùng lúc ba mục tiêu: Dạy, học và quản lý. Nhờ đó, nhà trường đã thu được những kết quả rất tích cực, hoạt động dạy học tạo hứng thú cho học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động của các em trong quá trình tiếp thu bài giảng, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, thầy giáo Phạm Văn Dũng, Giáo viên môn Vật lý Trường THPT Hàm Yên chia sẻ: Để tạo tiết học sinh động, thầy thường xuyên ứng dụng công nghệ vào xây dựng bài học bằng các phần mềm mô phỏng vật lý như PhET, Quizizz, Canva, Azota, CamEdu… với các video thí nghiệm ảo mô phỏng thực tế, các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, giúp cho tiết học trước đây khá khô khan giờ đã trở thành tiết học vui vẻ, học sinh yêu thích, tập trung trao đổi bài sôi nổi, phát huy năng lực học tập của các em.
Giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng hướng dẫn trẻ học tập qua các phần mềm học tập trực tuyến bổ ích trên mạng internet.
Thực hiện theo kế hoạch chuyển đổi số, Trường mầm non Hoa Phượng (TP Tuyên Quang) đã đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên thường xuyên sử dụng, ứng dụng các phần mềm để thiết kế chỉnh sửa, cắt, ghép xây dựng các video minh họa để bổ trợ cho hoạt động giáo dục. Qua đó giúp nội dung bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, thu hút được trẻ, chất lượng dạy học từng bước được nâng lên.
Đặc biệt, nhà trường hiện có 7 bộ máy tính có cài đặt phần mềm Kidsmart. Đây là phần mềm dành cho trẻ mầm non phát triển trí tuệ hiện đang được Vụ giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích đưa vào các trường mầm non. Với phần mềm này, các bé sẽ được học toán, chữ cái, tiếng Anh, học vẽ, phát triển tai nghe âm nhạc, kể chuyện qua các nhân vật ngộ nghĩnh khác nhau. Trẻ được tự do sáng tạo bằng các nét vẽ, phát triển khả năng phán đoán, tư duy logic qua các trò chơi Toán học… Giờ hoạt động với các phần mềm Kidsmart mầm non luôn luôn được các bé tham gia tích cực và hào hứng.
Chị Nguyễn Minh Hiền ở tổ 5, Phường An Tường (TP Tuyên Quang) có con đang học lớp 5-6 tuổi, trường Mầm non Hoa Phượng chia sẻ, chị rất yên tâm khi con được học tập ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với đầy đủ trang thiết bị, giáo viên luôn quan tâm đến học sinh. Mỗi ngày con đi học về, chị cảm nhận được sự thay đổi, phát triển từng ngày của con. Đặc biệt, thời gian qua khi nhà trường đưa vào sử dụng phòng máy tính, thấy con về nhà kể chuyện rất hào hứng vì vừa được học vừa được chơi.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kiều Thụy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện hiệu quả đã giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý và tương tác giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, tạo ra môi trường học tập sáng tạo và đa dạng, góp phần xây dựng "Trường học kết nối" toàn diện. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, dạy học nhằm đáp ứng tốt hơn công tác đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nuôi và dạy trẻ tại nhà trường, cố gắng củng cố chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia.
Giáo viên trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tập huấn cách sử dụng màn hình tương tác
Để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo từng năm học. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã được kết nối internet cáp quang tốc độ cao, 91,3% trường tiểu học và 100% trường THCS, THPT được trang bị phòng máy vi tính, 100% trường phổ thông có phòng họp trực tuyến. Các cơ sở giáo dục bước đầu đã sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử và các nền tảng trực tuyến như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…
Ngành Giáo dục tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành kết nối, khai thác, chia sẻ hiệu quả dữ liệu ngành với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Tuyên Quang; hoàn thiện hệ thống tuyển sinh đầu cấp, hướng tới tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đến năm 2030, 100% tài liệu và quy trình quản lý của ngành sẽ được số hóa. Cùng với đó, tăng cường giáo dục STEM và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy và học; triển khai học bạ số đối với cấp tiểu học và trung học; triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ đối với giáo viên, học sinh...
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh đã và đang đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi phương pháp quản lý cũng như dạy học từ truyền thống sang phương pháp dạy học hiện đại, giúp giáo viên và học sinh phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo. Từ đó giáo viên nâng cao năng lực, học sinh hứng thú tiếp thu bài học, tạo được niềm vui khi đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh