Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

07/11/2024 - 09:35
298
Cỡ chữ:

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên.

Trao sinh kế phù hợp

Tại xã Thái Long (TP Tuyên Quang), gia đình bà Phạm Thị Nụ ở thôn Phú An rất phấn khởi khi được nhận 1 cặp trâu sinh sản thuộc dự án 2 đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo. Nhiều năm qua gia đình bà cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo, không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Đầu năm 2024 sau khi rà soát bình bầu từ cơ sở, gia đình bà Nụ được nhận 2 con trâu sinh sản. Khi nhận cặp trâu về nuôi, cùng với việc chú trọng xây dựng chuồng trại, bà Nụ còn chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã, đến nay cặp trâu phát triển tốt.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn bàn giao trâu cái sinh sản, hỗ trợ cho hộ nghèo tại xã Hùng Lợi.

Hoặc hộ ông Hoàng Văn Vinh ở thôn 2, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) là một trong những gia đình được hỗ trợ trâu từ dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện năm 2024. Trâu được cấp là trâu cái sinh sản, đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước khi nhận trâu giống, ông Vinh cũng như các hộ được hỗ trợ trâu khác được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại và xử lý một số bệnh thường gặp. Sau khi nhận con giống, ông Vinh đã chăm sóc cẩn thận theo đúng hướng dẫn để trâu phát triển, sinh sản tốt trong thời gian tới.

Ông Vũ Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ (Yên Sơn) khẳng định, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; xã thành lập các đoàn công tác đến từng hộ dân nắm bắt nhu cầu để có sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng và điều kiện của từng hộ, xã đã đề xuất và có các hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Việc đa dạng hóa sinh kế giúp cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2024, huyện Yên Sơn được phân bổ trên 23,8 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện các dự án, nhất là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được huyện bố trí kịp thời, đúng người. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,04% và đến cuối năm 2024 phấn đấu giảm còn 11,31%. 

Góp phần giảm nghèo bền vững

Thực hiện Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh đã bố trí vốn ngân sách Nhà nước Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 là trên 323 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: trên 313,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương (bố trí tối thiểu 3% so với nguồn vốn được Trung ương phân bổ): trên 9,4 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện 7 dự án của Chương trình MTQG; Kế hoạch đề ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hộ nghèo DTTS giảm từ 4%/năm trở lên, các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên. Đảm bảo 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp...

Xác định giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng để giảm nghèo bền vững, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê lập danh sách thành viên trong 23.558 hộ gia đình nghèo có chiều thiếu hụt về việc làm để lập danh sách lao động không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không có hợp đồng lao động giai đoạn 2022 - 2025. Đây là cơ sở để UBND huyện, thành phố đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững. Qua đó, giúp nhiều lao động nghèo có việc làm, thu nhập ổn định để nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động được tỉnh Tuyên Quang quan tâm, chú trọng.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, việc thực hiện hỗ trợ vốn sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi là việc làm thiết thực, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từng bước tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, động viên người dân duy trì và phát triển mô hình đạt hiệu quả.

Ngoài ra, các hộ nghèo, cận nghèo còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên có thêm kỹ năng, động lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang