Đại biểu Âu Thị Mai nêu câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Âu Thị Mai nêu: Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay đã gần kết thúc giai đoạn 2021-2025, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ và giải pháp trong thời gian tới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trao đổi, trả lời nội dung chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó giao cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.
Theo chương trình, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vùng dược liệu, Ủy ban Dân tộc cũng ban hành Thông tư hướng dẫn về các đối tượng được tham gia Chương trình mục tiêu này. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành các quy trình, thủ tục để cho vay và theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chương trình mục tiêu quốc gia này được bố trí là 9.000 tỷ đồng, còn nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu và được Chính phủ bảo lãnh.
Đến nay, các khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với Chương trình này đạt 2,3 nghìn tỷ đồng với trên 47.000 khách hàng còn dư nợ, trong đó tập trung chủ yếu vào chính sách đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề.
Còn đối với chính sách cho vay vùng dược liệu quý đến nay chưa phát sinh dư nợ. Trên thực tế, khó khăn của Chương trình này vẫn là vấn đề vốn. Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ nay đến hết năm 2025, cần khoảng 1.500 tỷ nữa thì sẽ hoàn thành Chương trình này.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay Ủy ban Dân tộc đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng cũng như nâng mức cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để có ý kiến đối với Chương trình này.
Theo Báo Tuyên Quang