Tại homestay Nặm Đíp (thị trấn Lăng Can - Lâm Bình), du khách có thể được thưởng thức trọn vẹn một mâm cỗ Tày "trăm phần trăm" do các "đầu bếp" người Tày thực hiện, với nguồn thực phẩm được cung cấp từ chính trong vùng.
Một mâm cơm mà người Tày ở Lâm Bình đãi khách thường không đựng thức ăn trong bát đĩa, trừ món canh. Tất cả các món ăn đều được bày rất khéo trên các mảnh lá chuối đặt trên một chiếc mẹt tre có kích thước bằng chiếc mâm. Đây là mâm cơm được nấu hoàn toàn theo cách truyền thống của người Tày.
Theo bà Triệu Thị Sướng chủ homestay Hoàng Tuấn ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ, trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc vùng cao phía Bắc, đặc sắc nhất có thể nói đến các món hấp của người Tày như: Món trứng tráng với rau hôi, măng nhồi, nộm rau dớn, rau bò khai xào với củ đao hoặc nón chuối, cá khuy lam ống nứa, cá bỗng nướng, thịt vịt suối, thịt lợn đen, gà đồi... luôn là những món yêu thích của du khách khi đến với Lâm Bình.
Bà Sướng cho biết thêm: trên mâm cỗ của người Tày, xôi ngũ sắc và rượu men lá là những thứ không thể thiếu. Một món đặc sản khác ở đây là vịt suối Lâm Bình. Vịt được thả tự nhiên ở ngoài suối, rất sạch, chắc và ngọt thịt. Vịt suối Lâm Bình được chấm bằng một loại nước chấm đặc biệt, chính là nước luộc vịt. Nước luộc vịt còn sôi sùng sục, đem tưới lên bát rau răm vừa được thái sợi thật mỏng, trộn thêm ít bột canh, tiêu ớt cho vừa miệng. Phải là nước đang sôi, vì nếu nguội, người ăn sẽ chịu nguyên vị hăng của lá rau răm lấn át.
Khi chấm, phải nhúng ngập miếng thịt vịt vào bát nước chấm, mới thấy được đủ vị béo ngậy, thơm hăng hăng, ngọt và đậm đà của miếng thịt vịt quyện trong nước chấm.
Mâm cơm vùng cao cũng không thể thiếu món măng. Chẩu Thanh Ngà cho biết, ở Lâm Bình, mùa nào cũng có măng tươi, mùa nào loại măng đó, như măng vầu, măng sặt, măng đắng, măng nứa… Măng nứa còn có măng nứa thường, măng nứa tép… món măng cuốn được làm từ thịt ba chỉ, trứng gà luộc, rau thơm, mùi tàu, tía tô, hành củ, tất cả đều được băm nhỏ rồi trộn đều với bột nếp, thêm gia vị vừa ăn rồi nhồi vào trong ống măng, hoặc gói bằng phần lá măng đã bóc ra lúc trước. Xong xuôi, cho vào nồi hấp chừng 30 phút, tới khi mùi thơm đặc trưng của măng và các gia vị bốc lên đậm đà là được. Khi ăn, miếng măng cuốn có phần nhân thơm ngậy, món ăn có đủ hương vị của măng rừng, bột nếp và cả sự hòa trộn tinh tế của các loại rau, gia vị tạo nên hương vị đặc trưng mà có lẻ chỉ có đến với những bản làng người Tày mới có.
Bữa cơm ở Lâm Bình, không thể thiếu món trứng tráng rau hôi (còn gọi là rau thối). Cái tên kỳ lạ đối nghịch với món ăn lại khiến nhiều du khách tò mò nhất.
Bà Triệu Thị Sướng kể, rau hôi khi hái tươi có mùi rất khó chịu: “Trong một xóm có khoảng từ 7-10 nhà sống gần nhau, chỉ cần một nhà hái lá rau hôi tươi là cả xóm ngửi thấy, mùi lá tươi rất khó chịu. Khi ngửi mùi lá rau, không ai nghĩ ăn lại ngon như thế. Rau hôi tuốt ra, rửa sạch thái nhỏ rồi nấu trộn với trứng đem chiên lên, không những không còn mùi khó chịu nữa mà ăn rất ngon. Đặc biệt, rau hôi còn là một vị thuốc tốt cho hệ bài tiết, cho thận”.
Đặc biệt, trong mâm cơm của người Tày ở Lâm Bình còn có món da trâu xào măng chua. Măng chua là măng ngâm chua với ớt. Còn da trâu, theo như bà Sướng nói, xưa kia các cụ dựng nhà thường lấy da trâu bện lại thành những sợi dây kéo vô cùng chắc để kéo gỗ dựng nhà sàn. Da trâu nay lại thành một món ăn độc đáo, chế biến khéo léo sao cho không còn mùi hoi của trâu, không bị dai, mà giòn và mềm vừa đủ độ, quyện trong vị chua cay của măng.
Điểm nhấn của mâm cơm đặc biệt, là món cá bỗng sông Gâm chỉ tầm hơn 2kg, nhưng đây lại là loài cá rất lâu lớn. Cá bỗng sống tự nhiên trên sông Gâm, ăn rau, rong rêu, cho nên thịt rất chắc và vô cùng ngọt. Cá bỗng nướng lên, chấm trực tiếp với mắm ớt cay xè, hoặc cuốn với bánh đa, rau sống, ăn rất “vào”.
Cá dưới sông, vịt ngoài suối, trứng trong chuồng, rau ngoài rừng hoặc trong vườn. Chỉ với những thứ thực phẩm hết sức đơn giản và gần gũi như vậy, người Tày ở Lâm Bình đã quyến rũ du khách bằng ẩm thực độc đáo của mình. Một điểm đặc biệt khác ở Lâm Bình là các homestay cùng hỗ trợ nhau giới thiệu nét đẹp ẩm thực của vùng đất quê mình tới du khách, chứ không riêng lẻ như nhiều nơi khác.
Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, văn hóa ẩm thực là một yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi lẽ, khi đến tham quan các điểm du lịch, du khách trong và ngoài nước luôn có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những món ăn do chính đồng bào chế biến. Đồng thời, du khách mong muốn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực trong sự tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì thế, không gian ẩm thực luôn gắn liền và hòa điệu cùng các nét văn hóa khác như văn hóa nhà sàn, trang phục, nhạc cụ, khúc hát dân ca…
Hiện nay, các cơ sở homestay trên địa bàn tỉnh không chỉ phát triển về số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Để du khách có những kỷ niệm đáng nhớ, cùng với việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, nâng cao kỹ năng đón tiếp, kết nối tuyến du lịch, các cơ sở homestay tập trung khai thác văn hóa ẩm thực vùng miền. Mùa nào thức đấy, những món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu tươi sạch, đậm chất vùng cao như: lợn đen, gà đồi, cá suối, rau rừng... Với phương châm đón khách như đón người thân trở về nhà, bà con tự tay nấu nướng, bày biện món ăn theo công thức truyền thống.
Du khách thưởng thức ẩm thực trong chính không gian văn hóa, đời sống của cộng đồng tại bản Nà Đông xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Chị Tạ Thị Tố Uyên du khách đến từ thành phố Hồ Chí Mình chia sẻ: Khi đến với những điểm du lịch cộng đồng, chúng tôi vừa được nghỉ ngơi, thư giãn, thăm thú phong cảnh thiên nhiên, vừa được thưởng thức những món ăn đậm đà dư vị, nghe đồng bào giới thiệu về cách chế biến món ăn để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Anh Hỏa Văn Phủ chủ homestay A Phủ ở bản Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chia sẻ: Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, gia đình tôi còn phục vụ tắm lá thuốc của đồng bào Dao đỏ. Không chỉ là "ông chủ" thân thiện, mến khách, anh Phủ còn là một "đầu bếp" khá thuần thục. Anh thuộc làu làu công thức nấu nướng, cách nêm nếm, kết hợp nguyên liệu để giới thiệu với khách món ăn mà anh đang làm trên bếp; tay thoăn thoắt xào rau, nướng thịt, chặt gà, vịt… rồi bày trên những chiếc mẹt nan nhỏ phủ lá chuối…
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Redtour Flamingo cho biết, sau một ngày tham quan, ngắm cảnh có phần thấm mệt, tôi và mọi người trong đoàn thu hút bởi hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ các món ăn. Nếm thử món gà đồi nướng, ai cũng trầm trồ: "Đúng là gà thả rừng đồi, da gà ăn cũng khác, vừa thơm vừa giòn. Thịt thì chắc ngọt, đậm vị". Đến món lợn đen quay, cá bống nướng cuốn lá lốt hay ốc ruộng om lá lốt, thực khách lại tấm tắc khen ngon. Thanh mát hơn cả có lẽ là các món chế biến từ rau rừng như: rau hôi, rau bò khai, rau dớn rừng… đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được thưởng thức bữa ăn tuyệt vời đến thế.
Là một huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng với những lễ hội truyền thống như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy Lửa của dân tộc Pà Thẻn... Du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân, bớt đi phần nào ngân sách hỗ trợ hàng năm từ Chính phủ.
Để phát triển du lịch địa phương tại vùng sâu vùng xa rất cần một định hướng chính sách vĩ mô, sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước. Ẩm thực bản địa không đơn thuần chỉ là việc thưởng thức món ngon, vật lạ mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa được đồng bào các dân tộc kết tinh, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Những món ăn tuy bình dị nhưng gần gũi, tạo ấn tượng sâu đậm đối với du khách về miền non nước Lâm Bình.
PV