“Đòn bẩy” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

11/08/2024 - 15:28
484
Cỡ chữ:

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Nghị định 28), nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ phát triển nhiều loại hình sinh kế, có nguồn thu nhập ổn định.

"Đòn bẩy" tiếp sức cho người dân

Cuối năm 2022, sau khi được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) tuyên truyền phổ biến nguồn vay mới theo Nghị định 28 của Chính phủ, gia đình ông Lý Đức Trường, thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) đã quyết định vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Với số tiền được vay là 77,5 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư mở rộng xưởng gỗ. Ông Trường chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình tôi có điều kiện để mở rộng xưởng chế biến gỗ như hiện nay. Có vốn đầu tư thêm máy móc nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, nhờ vậy cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Nguồn thu nhập ổn định từ xưởng gỗ sẽ giúp gia đình thoát nghèo trong thời gian tới".

Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hộ ông Lý Đức Trường, thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) có điều kiện để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lâm Bình cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ, Phòng giao dịch đã giải ngân được 148 hộ làm nhà với số tiền trên 5,9 tỷ đồng và 112 hộ chuyển đổi nghề với số tiền 7,9 tỷ đồng. Trên cơ sở danh sách đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng với các Tổ TK&VV tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Sau giải ngân, đơn vị thường xuyên kiểm tra các hộ vay, đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn vay đã tạo cơ hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển nhiều loại hình sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo có thêm "đòn bẩy" tiếp sức cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, bên cạnh vay vốn phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh được vay để làm nhà ở mới, trong đó có hộ ông Phùng Càn Lưu, thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Ông Lưu hồ hởi nói: "Cuối năm 2022 gia đình tôi được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu đồng, cùng số tiền vay mượn của anh, em họ hàng, ngôi nhà xây mới đẹp khang trang với diện tích gần 100m2 đã được hoàn thành. Sống trong ngôi nhà mới gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, sớm thoát nghèo và hoàn thành nghĩa vụ trả khoản vay với ngân hàng".

Tín dụng chính sách xã hội giúp đồng bào DTTS  trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh cho vay hỗ trợ làm nhà ở, Nghị định số 28 của Chính phủ còn thực hiện cho người dân vay vốn chuyển đổi nghề và sản xuất; đơn cử như gia đình anh Bùi Văn Tuấn, thôn Tân Trào, xã Hợp Hoà (Sơn Dương) thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Vợ chồng quanh năm đi làm thuê, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, gia đình anh được vay vốn từ NHCSXH để chăn nuôi bò sinh sản với số vốn 100 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: “Được vay vốn với lãi suất ưu đãi gia đình tôi yên tâm làm ăn. Hiện nay, gia đình đã xây chuồng trại, mua 04 con bò sinh sản về nuôi, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt”.

Bà Hoàng Lê Na, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương cho biết: Sơn Dương hiện có 17.025 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, đây là địa phương có số dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Phòng giao dịch đang triển khai 4 chương trình tín dụng theo Nghị định 28 với tổng dư nợ 10 tỷ 549 triệu đồng. Trong đó, phổ biến nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và vay vốn sản xuất kinh doanh...

Đưa chính sách vào cuộc sống

Chương trình cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Theo ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 2 năm triển khai, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 4 chương trình cho vay, gồm: vay hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề; có 1.595 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ 76 tỷ 365 triệu đồng. Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tín dụng để xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh theo Nghị định số 28 của Chính phủ đã góp phần tạo động lực để đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban chuyên môn phê duyệt kịp thời danh sách đối tượng nhằm giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang