Quy định 132-QĐ/TW phòng chống tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Nguồn: Internet)
Mục tiêu Kế hoạch là quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Chính phủ đề ra nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong các lĩnh vực tố tụng và thi hành án. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan từ cấp sở đến huyện và thành phố trong việc triển khai và giám sát các hoạt động này.
Yêu cầu cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Quy trình triển khai phải bám sát nội dung của Quy định số 132-QĐ/TW và Kế hoạch của tỉnh, nhằm kiểm soát tốt quyền lực, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực.
Kế hoạch đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, tập trung vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, và thi hành án. Bao gồm,
Quán triệt và nâng cao nhận thức: Các cấp sở, ngành và UBND huyện, thành phố thực hiện phổ biến nội dung về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tố tụng. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, cơ quan khác có liên quan trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nghiêm túc: Việc xây dựng và sửa đổi cơ chế, chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại toàn bộ quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong hoạt động tố tụng. Đảm bảo rằng các văn bản pháp luật liên quan được sửa đổi đồng bộ, chặt chẽ, tránh để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền hạn, lợi dụng chức vụ để tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng như Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật nhà nước về quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động.
Tăng cường kiểm tra, giám sát: Công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra phải được thực hiện thường xuyên, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra nội bộ, tự đánh giá công tác thực thi pháp luật của mình. Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp giữa các cơ quan: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Cụ thể, các đơn vị như Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc các kết luận kiểm sát, kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát và các bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tránh tình trạng lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ để thực hiện các hành vi tiêu cực...
Xem chi tiết kế hoạch tại file đính kèm.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh