Huyện Lâm Bình hiện có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn... Mỗi dân tộc đều lưu giữ những nét văn hóa truyền thống riêng, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Đây không chỉ là công việc mưu sinh hằng ngày, mà còn thể hiện trình độ thẩm mỹ, quan niệm về cuộc sống và tín ngưỡng của người dân.
Trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS chủ yếu được dệt bằng hình thức thủ công
Bản Bó, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, từ lâu được biết đến như “cái nôi” của nghề dệt thổ cẩm truyền thống người Tày. Đặt chân đến nơi đây, giữa không gian núi rừng yên bình, du khách dễ dàng bị cuốn hút bởi tiếng lách cách của khung cửi vang lên bên hiên nhà sàn và những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Bà Chẩu Thị Sen, 52 tuổi, một trong những nghệ nhân kỳ cựu của bản Bó, kể rằng bà gắn bó với nghề từ năm 15 tuổi. Ngày ấy, con gái nếu không biết dệt thổ cẩm sẽ bị coi là vụng về, khó lấy chồng. Từ việc trồng bông, cán bông, se sợi đến dệt thành từng tấm vải, chăn, gối hay cả chiếc tã cho con, tất cả đều do đôi tay người phụ nữ Tày đảm đương. “Cứ sau Tết, chị em trong bản lại rủ nhau ngồi dệt. Khi về nhà chồng, mỗi cô gái phải mang theo ít nhất 13, 14 cái chăn thổ cẩm do chính mình dệt. Bây giờ có thể mua sắm đầy đủ ở chợ nhưng tôi vẫn giữ nghề, vì đó là cái nếp, cái hồn của dân tộc mình”, bà Sen tâm sự.
Nhận thấy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống, chính quyền địa phương, các tổ chức văn hóa và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã vào cuộc với nhiều chương trình hỗ trợ. Việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm giúp người dân có điều kiện duy trì sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, những tấm thổ cẩm với hoa văn truyền thống của người Tày tiếp tục được gìn giữ và giới thiệu đến du khách gần xa.
Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm Lâm Bình được thành lập từ đầu năm 2021 với 30 thành viên là phụ nữ dân tộc Tày, Dao - những người gắn bó và am hiểu tường tận nghề dệt truyền thống. Để duy trì và phát triển bền vững, HTX đã triển khai mô hình “người biết nghề truyền dạy người chưa biết”, tổ chức các lớp hướng dẫn, đào tạo nghề ngay tại cộng đồng. Nhờ vậy, không chỉ những người lớn tuổi mà cả lớp trẻ, trong đó có nhiều học sinh, cũng đã dần tiếp cận, yêu thích và tự hào tiếp nối nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Với họ, nghề dệt không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là cách để giữ gìn cội nguồn văn hóa, tìm về những giá trị truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.
Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm đang tạo sinh kế bền vững, giúp người dân cho thêm thu nhập
Bà Ma Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết để khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, HTX Thổ cẩm Lâm Bình chia ra thành nhiều tổ, nhóm cùng sở thích nằm trên địa bàn các xã, như nhóm cùng sở thích dệt khăn thổ cẩm, chăn thổ cẩm; nhóm thêu; nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm, nhóm quảng bá, giới thiệu sản phẩm truyền thống Lâm Bình…. trên các trang mạng xã hội.
"Thấy được tiềm năng, thế mạnh của thổ cẩm là sản phẩm mà du khách ưa chuộng nhiều, đồng thời cũng là sản phẩm mà người lao động có thể đạt thu nhập, phù hợp sức lao động mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ nông thôn. Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy được nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa, mà còn tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào huyện vùng cao Lâm Bình", bà Ma Thị Hồng nói.
Từ những bàn tay khéo léo và tâm huyết ấy, các sản phẩm thổ cẩm Lâm Bình từng bước vươn xa, xuất hiện tại nhiều sự kiện văn hóa, hội chợ du lịch của tỉnh Tuyên Quang và khu vực. Nhiều sản phẩm thủ công độc đáo như khăn quàng, túi xách, ví, áo dài cách điệu từ thổ cẩm được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích, góp phần quảng bá hình ảnh con người và bản sắc văn hóa các dân tộc Lâm Bình đến với bạn bè gần xa.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song hành trình đưa thổ cẩm Lâm Bình trở thành sản phẩm đặc sản, hàng hóa OCOP và hàng lưu niệm du lịch vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là đầu ra chưa ổn định, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, kỹ thuật dệt của một số hộ chưa đáp ứng yêu cầu cao.
Chị Hoàng Thị Kim, thành viên nhóm dệt HTX Thổ cẩm Lâm Bình bày tỏ: “Chúng tôi mong được hỗ trợ thêm về thiết kế mẫu mã, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Hiện nhiều khách du lịch trẻ thích thổ cẩm nhưng muốn sản phẩm phải hiện đại hơn, như ví cầm tay, balo, phụ kiện điện thoại, áo khoác có họa tiết thổ cẩm.”
Thổ cẩm Lâm Bình đang dần khẳng định vị thế là sản phẩm đặc trưng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc và mở ra hướng đi mới trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ những đôi bàn tay khéo léo bên khung cửi, biết bao câu chuyện về cuộc sống, về tình yêu quê hương được gửi gắm qua từng hoa văn mềm mại như chính tinh thần kiên cường của con người Lâm Bình.
Với định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ kịp thời, tin rằng không xa nữa, "Thổ cẩm Lâm Bình" sẽ trở thành thương hiệu được du khách và thị trường trong, ngoài nước đón nhận. Qua đó, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh