Đặc điểm chung của hai thể loại này là đều sử dụng màu sắc tối giản lấy chất liệu từ thiên nhiên làm cảm hứng để sáng tạo. Tranh Đông Hồ dùng giấy làm từ vỏ con điệp và chỉ sử dụng các màu như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... thì mỹ thuật Scandinavian cũng chỉ sử dụng các chất liệu thiên nhiên như: gỗ, đá, lông thú, vỏ cây và ứng dụng các màu xanh, trắng, đen, nâu. Hầu hết sản phẩm của hai loại tranh này đều đề cao tính thủ công và nét thanh lịch nhẹ nhàng, nhằm tạo nên sự gần gũi, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cả hai loại tranh đều xuất phát từ nghệ thuật dân gian chứ không phải nghệ thuật hoàng gia. Với những điểm chung này, chúng ta có quyền liên tưởng phong cách tranh Đông Hồ đương đại phải chăng có mối liên hệ với phong cách nghệ thuật Scandinavian. Học theo cách nghệ thuật dân gian Bắc Âu để tiếp tục thổi thêm những làn gió đương đại vào hồn tranh Việt, Tranh Đông hồ phát triển và trưởng thành, trở thành một trong những xu hướng của mỹ thuật hiện đại và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tranh đông hồ đàn gà con cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn. Ảnh: K.T
Là người Việt Nam, ai cũng một lần trong đời sở hữu bức tranh Đông Hồ vừa là để thưởng thức loại hình độc đáo có một không hai này, vừa là để lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Tranh Đông hồ truyền thống với đơn giản chỉ là những nét vẽ giản dị nhưng lại hàm chứa những điều thiêng liêng, cao quý. Mỗi bức tranh Đông hồ đều gửi đến những thông điệp vô cùng sâu sắc. Chẳng hạn như “Vinh hoa”, “Phú quý”, “Tiến tài”, “Tiến lộc”, “Gà đại cát”, “Phúc”, “Thọ”... là lời chúc năm mới tốt đẹp, phát tài, phát lộc. Những bức như “Hai Bà Trưng trừ giặc Hán”, “Bà Triệu đánh quân Ngô”, “An Dương Vương”, “Ngô Vương Quyền đánh Nam Hán” lại mang giá trị lịch sử, nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ công lao của các anh hùng dân tộc có công với nước. Các bức “Hiếu học”, “Vinh quy bái tổ”, “Mục đồng đọc sách”, “Thầy đồ cóc” lại hướng đến giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Bên cạnh đó, những bức như “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen” còn phản ánh tinh thần đấu tranh với những thói hư tật xấu, những bất công trong xã hội.
Bước sang thời kỳ hiện đại, từ sau năm 1945, do chữ Hán và chữ Nôm ở nước ta bị coi là phong kiến lạc hậu, liệt vào danh mục bài xích nên có vẻ như tranh Đông hồ bắt đầu cách tân. Nghệ thuật Scandinavian, lúc này sau khi phải gồng mình trải qua các giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kết thúc chủ nghĩa lãng mạn Romanticism, đến Art Nouveau hay Art Deco và Chiến tranh thế giới thứ nhất, qua Chiến tranh thế giới thứ hai, đã hình thành một chỗ đứng và phong cách mỹ thuật hiện đại phát triển và được nhiều nước trên thế giới biết đến. Các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ, trong đó điển hình như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam… cũng đã tiếp nhận và ảnh hưởng bởi dòng tranh dân gian này nên có những sáng tạo bám sát theo thời cuộc, phản ánh những biến đổi trong đời sống xã hội đương đại. Thời điểm đó cũng chính là thời điểm Văn học nghệ thuật Việt nam đang hiện đại hóa rất mạnh. Phong trào Âu hóa rầm rộ ở khắp mọi nơi. Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ vì thế cho ra đời nhiều bức tranh phê phán, đả kích sự lai căng, lố bịch trong xã hội thời bấy giờ như “Nhảy đầm”; “Trai tứ khoái - gái bảy nghề”. Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, cả nước cùng chung tay khắc phục khó khăn, diệt giặt dốt, giặc đói… các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ cũng hòa mình vào công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Nhiều bức tranh vẽ có chủ đề về bình dân học vụ, xóa mù chữ diệt giặc dốt như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có bức tranh vẽ buổi biểu diễn văn nghệ, hai cô gái nông dân múa, có đủ dàn nhạc trống phách, phía trên có lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng búa liềm và hai câu ca dao “Cùng nhau múa hát mấy bài/Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang”. Nhiều bức tranh Đông Hồ được các nghệ nhân vẽ để cổ động cho phong trào lao động sản xuất như “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Bảo vệ hòa bình”, “Kiến thiết quốc gia”… hay những bức tranh vẽ cảnh cày cấy, tát nước trên đồng ruộng cùng với khẩu hiệu “Canh nông vi bản”, “Tăng gia sản xuất”… Nhiều bức tranh vẽ có kèm theo những câu ca dao, tục ngữ được cải biên khắc luôn vào ván bằng chữ Quốc ngữ cho dễ thuộc dễ nhớ (3).
Mặc dù đổi mới, cách tân mạnh mẽ, tuy nhiên, có vẻ như điều đó là không đủ để tồn tại trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu. Với tính chất yêu cầu cao về chất lượng và đa dạng về sản phẩm, sự cạnh tranh về thiết kế hội họa được đẩy lên ở mức độ khốc liệt. Tranh Đông hồ thuần phác dù tinh tế trong chất liệu giấy điệp vỏ sò lấp lánh, với màu sắc có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên hay ý nghĩa sâu xa về văn hóa Việt vẫn có nguy cơ bị đẩy vào quên lãng nếu không được quảng bá đúng cách.
Học tập kinh nghiệm từ cách sinh tồn của nghệ thuật dân gian Bắc Âu. Tranh Đông hồ đã thay đổi nhanh chóng khi thế kỷ 19 khép lại để chào đón thế kỷ 20. Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi cuộc sống, thương mại và chính trị một cách nhanh chóng trên quy mô toàn cầu. Nhưng trước sự phát triển nhanh chóng của máy móc, tranh Đông hồ lại quay trở lại với nghệ thuật thủ công truyền thống, đi ngược lại với xu hướng công nghiệp. Giống như những tác phẩm của William Morris sau đó bùng nổ và phát triển trở thành một phong cách siêu tối giản. Hoặc như trường phái Bauhaus hướng tới sự càng đơn giản, thuần phác càng được đánh giá cao. Ý thức xã hội dân chủ mới đã quét qua toàn châu Âu, đảo ngược các công thức cũ về cái đẹp và địa vị. Niềm tin về cái đẹp chỉ dành cho những người giàu đã bị thay đổi, những chức năng cần thiết theo yêu cầu của quần chúng có thể được kết hợp, ngày càng có nhiều sản phẩm với mức giá phải chăng dành cho tất cả mọi người. Theo cách đó, sự tập trung vào tính bền vững đã thổi bùng sức sống mới vào xu hướng này.
Thời gian gần đây những dự án đương đại hóa Tranh Đông hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khi phối kết hợp với nhãn cà phê nổi tiếng Highlands, đã làm thay đổi diện mạo của làng tranh và đem đến cơ hội mới cho không chỉ những nghệ nhân làng nghề mà cả một nền nghệ thuật dân gian. Bằng sự kết hợp sáng tạo và sức sống hiện đại của tuổi trẻ vào nét nghệ thuật của truyền thống văn hóa dân gian trên 13 bức tranh Đông Hồ Kinh Điển chúc tụng ngày Tết, một bộ tranh “ĐƯƠNG ĐẠI HÓA TRANH ĐÔNG HỒ” đầy ý nghĩa - thể hiện các thông điệp chúc phúc cho một năm mới tràn đầy “Sức khỏe - Thịnh vượng - Hạnh phúc” đã được trình làng đến giới trẻ. Bộ tranh được thực hiện bởi 3 hoạ sĩ trẻ: Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng. Những cố gắng này bước đầu chính là sự chuyển mình của một nền nghệ thuật dân gian. Trong thời gian tới, những người làm nghệ thuật kế cận cần phải chung tay để thúc đẩy và tìm ra những giá trị bền vững, làm điểm tựa để vun đắp nên một nền nghệ thuật dân gian của Việt Nam có sức lan tỏa trên toàn thế giới. Công việc này không phải chỉ của Nhà nước và những người làm nghề truyền thống, mà là của mọi con người Việt. Nếu một thời, hai câu thơ của Hoàng Cầm đã in sâu vào tiềm thức người Việt mỗi khi Tết đến xuân về:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Thơ Hoàng Cầm
Thì tương lai, chỉ cần có dấu ấn của nền nghệ thuật dân gian này ở bất cứ nơi đâu, trên bất cứ sản phẩm hay thiết kế nào, chúng ta sẽ nhận ra đây chính là sản phẩm của văn minh Việt, không vương màu xưa cũ mà sẽ ngày càng sáng lạn hơn, dù không nằm trên giấy điệp, mà trên những màn hình led, những hình ảnh không gian 3 chiều lạ mắt...
TS. Trần Thị Lệ Thanh
(1) https://dantocmiennui.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-lang-tranh-dong-ho-bai-1/279921.html
(2) https://noithatart.com/scandinavian/
(3) TTXVN, Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ (Bài 1), Báo điện tử, 10-11-2019.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn