Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì cuộc họp
Theo đó, trên lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình có trên 22.000 công trình thủy lợi, cấp nước cho canh tác, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, công nghiệp; kết hợp phát điện, giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường. Tại tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 2.800 công trình, tưới tiêu gần 42.000ha cây trồng và phục vụ sản xuất, sinh hoạt...
Vấn đề quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được quy định tại Luật Quy hoạch. Quy hoạch được lập với mục tiêu nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình; nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn, chủ động tiêu thoát nước cho nông nghiệp kết hợp tiêu thoát nước cho khu đô thị, khu công nghiệp… Qua đó, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm, 5 năm và dài hạn trên các lưu vực sông, góp phần cải tạo môi trường nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước của các lưu vực sông đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Các đại biểu dự họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, tồn tại hạn chế của hệ thống thủy lợi hiện tại trên địa bàn tỉnh; UBND huyện, thành phố kiến nghị UBND tỉnh bổ sung thêm một số công trình thuỷ lợi trên địa bàn để tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình thuỷ lợi dự kiến cải tạo, nâng cấp trong hồ sơ Quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần cải tạo môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh vai trò then chốt của hệ thống thủy lợi trong việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cũng như cung cấp nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh. Việc rà soát quy hoạch lần này là cơ hội để Tuyên Quang nhìn nhận một cách toàn diện các tiềm năng và thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp quy hoạch hiệu quả và bền vững hơn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương rà soát kỹ, đầy đủ diện tích tưới, công trình nào cần đầu tư trước 2030 và giai đoạn sau; tổng hợp, báo cáo bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Môi trường hoàn thiện đề xuất trình UBND ký, gửi Chính phủ để đầu tư, xây dựng.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh