Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 09/9/2024, Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024; chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia tại Công điện số 17/VP-PCTT ngày 09/9/2024; Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 3224-CV/TU ngày 09/9/2024 và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Lực lượng chức năng và các tình nguyện viên vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại xã Thái Sơn (Hàm Yên)
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng (nếu có).
- Kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, các hộ phải di chuyển do ảnh hưởng của việc xả lũ thủy điện. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
- Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong ngày 12/9/2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ Huy quân sự tỉnh chủ động liên hệ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để đề nghị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm… trong thời gian thiên tai.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố vỡ đê Quyết Thắng đảm bảo an toàn tài sản và tỉnh mạng của người dân.
- Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của mưa, lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
- Rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất, kịp thời báo cáo, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cáp có thẩm quyền xem xét quyết dịnh.
- Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong ngày 12/9/2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
Chi tiết tại văn bản đính kèm
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh