Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến vào các nội dung quan trọng.
Về tình hình công tác khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh: bão, lũ, lụt đã làm 5 người chết, hơn 20 nghìn nhà bị hư hại, trên 5.300 nhà bị cô lập, trên 5 nghìn hộ phải di dời khẩn cấp; trên 5 nghìn ha lúa, gần 2.000 ha ngô, rau màu, 500 ha cây trồng hằng năm, 660 ha cây ăn quả, trên 650 ha cây lâm nghiệp, trên 1.500 gia súc, hơn 7.500 gia cầm bị thiệt hại.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà xưởng, trường học, trụ sở cơ quan... Đặc biệt đoạn đê sông Lô vị trí xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương bị vỡ chiều dài khoảng 10m, diện tích ngập khoảng 40 ha; Tuyến đê xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương xuất hiện 4 vị trí bị đùn sủi... Tổng thiệt hại ước trên 1.200 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố đã chủ động, tập trung các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện được thực hiện đồng bộ, phương châm 4 tại chỗ được thực hiện hiệu quả.
Các đại biểu đề cập một số nội dung, bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống; việc trang bị, tập huấn sử dụng phương tiện di chuyển khi có lũ lụt; vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo điều kiện thiết yếu cho nhân dân sau lũ lụt...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu tại cuộc họp.
Đến 17h, ngày 13-9, tỉnh đã tiếp nhận trên 27,6 tỷ đồng, 200 tấn nhu yếu phẩm hỗ trợ cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hiện nay đang được phân phối đến nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các huyện, thành phố cần đánh giá rõ nguy cơ, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chăm lo cho người dân bị thiệt hại về nhà ở, đặc biệt là những hộ nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn, nhà ở hư hại rất nặng...; khẩn trương khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất; thống kê đầy đủ các thiệt hại để tỉnh thực hiện hỗ trợ; tích cực thông tin, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang phát biểu thảo luận.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung khẳng định công tác phòng chống thiên tại, lũ lụt trên địa bàn tỉnh đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hạn chế được thiệt hại lớn.
Đồng chí đề nghị có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo; xây dựng phương án hỗ trợ, cứu trợ, di chuyển nhân dân; điều này cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực có kỹ năng.
Song song với thực hiện công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an sinh, hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho nhân dân; khẩn trương thực hiện công tác đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; các cấp, các ngành chủ động có sự phối hợp chặt chẽ, xác định rõ thiệt hại, xử lý những vấn đề cấp thiết, trước mắt; sớm tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy cũng đã thảo luận các nội dung về: chuyển mục đích sử dụng đất; chủ trương giao rừng phòng hộ, điều chỉnh phương án quản lý rừng; điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững chuyển nguồn từ năm 2023 và dự toán năm 2024... và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo Báo Tuyên Quang