Những mô hình thành công – Hạt nhân của chuỗi giá trị
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cùng hệ thống khuyến nông cơ sở đã triển khai hàng loạt mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp nông dân tiếp cận với phương thức sản xuất hiện đại, nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững.
Tiêu biểu là Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện, triển khai tại nhiều xã như Hùng Lợi, Tân Long, Tiến Bộ, Kim Quan, Đội Bình, Kiến Thiết, Lang Quán… với tổng cộng 125 hộ dân tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ một con trâu giống (trọng lượng 350 kg), thức ăn bổ sung, máy băm cỏ, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.
Đàn bò cái giống vàng Lai Sind Việt Nam tại Trang trại chăn nuôi của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành
Trước khi bàn giao vật nuôi, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn làm chuồng trại, phòng chống dịch bệnh… đảm bảo điều kiện tốt nhất cho vật nuôi sinh trưởng. Anh Nông Văn Hội, xã Hùng Lợi – một trong những hộ cận nghèo được hỗ trợ, vui mừng chia sẻ: “Gia đình tôi đã có thêm một con nghé khỏe mạnh. Đây không chỉ là tài sản, mà còn là hy vọng giúp chúng tôi vươn lên thoát nghèo”.
Tại huyện Chiêm Hóa, mô hình liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột do HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hòa triển khai đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ 10 thành viên ban đầu khi mới thành lập năm 2023, đến nay HTX đã liên kết sản xuất với hơn 250 hộ dân trên diện tích 25 ha, tại các xã Tân Thịnh, Phúc Thịnh, Nhân Lý, Hòa An, Trung Hòa… HTX không chỉ cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật, mà còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Năm 2024, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng, lãi gần 1 tỷ đồng.
Chị Phùng Thị Mến, xã Tân Thịnh, phấn khởi cho biết: “Nhờ liên kết với HTX, sản phẩm dưa chuột của gia đình được bao tiêu ổn định. Vụ đông xuân 2024-2025, gia đình tôi thu về hơn 80 triệu đồng từ 1.800 m² trồng dưa”.
Tại huyện Sơn Dương, mô hình chăn nuôi dê sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị cũng đang phát huy hiệu quả tích cực. Dự án do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tại các xã Lương Thiện, Chi Thiết, Đông Lợi, hỗ trợ 360 con dê cho 36 hộ dân. Ông Cao Văn Minh, xã Lương Thiện, bày tỏ: “Chúng tôi được hỗ trợ cả đàn dê và kỹ thuật chăm sóc từ cán bộ khuyến nông. Đây là nguồn sinh kế thiết thực giúp gia đình có thu nhập ổn định”.
Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất khác cũng đang được nhân rộng như: nuôi ong mật tại xã Thái Bình (Yên Sơn) với 900 đàn ong nội giống Apis Cerena – hiện đã đạt chuẩn OCOP 4 sao; nuôi vịt bầu đất tại xã Bằng Cốc (Hàm Yên); chăn nuôi gà an toàn sinh học hướng đến xây dựng thương hiệu tại xã Hợp Thành, Kháng Nhật (Sơn Dương)… Tất cả đều có điểm chung là gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp và sự đồng hành của hệ thống khuyến nông.
Khuyến nông – Hạt nhân thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại và bền vững, hoạt động khuyến nông không còn chỉ bó hẹp trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần như trước đây. Thay vào đó, hệ thống khuyến nông tỉnh đã và đang đóng vai trò chủ lực trong việc kết nối các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp – từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm – nhằm giúp người nông dân tiếp cận với tư duy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.
Cụ thể, khuyến nông Tuyên Quang đã chủ động đưa các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, trong đó nổi bật là cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nông nghiệp, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, quản lý mùa vụ, chất lượng sản phẩm... Những bước đi này đang dần giúp nông nghiệp Tuyên Quang tiếp cận gần hơn với mô hình nông nghiệp thông minh – nông nghiệp số, mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất theo chuỗi liên kết đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hiện duy trì đều đặn mỗi năm từ 10-15 lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trung tâm còn là đầu mối quan trọng trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ, từ đó hỗ trợ thu mua, tiêu thụ ổn định hơn 10.000 tấn nông sản mỗi năm như dưa chuột, ớt, ngô sinh khối, dâu tằm, gấc, mật ong… cho nông dân toàn tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở những kết quả đạt được, ông Lê Anh Tuấn khẳng định: Trong thời gian tới, hệ thống khuyến nông Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả. Trọng tâm sẽ là xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tiên tiến như nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và nông nghiệp số. Các mô hình này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong dài hạn.
Sự kết hợp giữa khoa học công nghệ, tư duy sản xuất hiện đại và chính sách hỗ trợ đồng bộ từ hệ thống khuyến nông đang mở ra những triển vọng tươi sáng cho ngành nông nghiệp Tuyên Quang trên hành trình phát triển toàn diện, hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh