Nhờ được hưởng những chính sách vay vốn phát triển chăn nuôi, gia đình anh Đặng Tài Huyện (bên trái ảnh), thôn Tiên Tốc, xã Bình An vươn lên thoát nghèo.
Đầu năm 2023 gia đình anh Đặng Tài Huyện, dân tộc Dao ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An được vay vốn với số tiền 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có vốn cộng với số tiền gia đình tích cóp được anh đã đầu tư trồng thêm 02 ha rừng keo, nâng tổng số diện tích keo của gia đình lên 4ha. Ngoài ra, anh còn xây chuồng trại, mua 3 con trâu và 4 con bò về nuôi vỗ béo; để nâng cao thu nhập, gia đình anh còn chăn nuôi thêm lợn đen. Cuối năm 2023, gia đình anh thu hoạch trên 2ha rừng keo, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 150 triệu đồng. Nhờ trồng rừng và tích cực chăn nuôi, hằng năm gia đình anh Huyện có một khoản thu nhập ổn định, đến nay gia đình anh Huyện đã thoát nghèo và trở thành hộ khá tại địa phương.
Để hoàn thành được ngôi nhà ở kiên cố có tổng trị giá trên 100 triệu đồng, gia đình ông Ma Quang Nghiệp, dân tộc Tày ở thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn được UBND xã xét hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 50 triệu đồng để làm nhà và phát triển kinh tế. Sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đúng mục đích, đến nay ngôi nhà của gia đình ông Nghiệp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng, phấn khởi của gia đình. Có nhà mới để ở, gia đình ông Nghiệp quyết tâm lao động sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cuối năm 2023 xã Phúc Sơn có 952 hộ nghèo, năm 2024 xã có kế hoạch giảm 85 hộ (giảm từ 50,45% xuống còn 43,27% vào cuối năm 2024), bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, xã đã và đang tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất, rà soát nhu cầu vay vốn để tạo sinh kế cho các hộ nghèo phát triển sản xuất... Qua đó, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.
Diện mạo cơ sở hạ tầng của xã Thổ Bình (Lâm Bình) ngày càng thay đổi.
Thời gian qua, huyện Lâm Bình đã tập trung chỉ đạo thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững. Theo đó, hạ tầng phục vụ đời sống của nhân dân được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; cơ cấu kinh tế phát triển theo đúng định hướng; du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển; đời sống nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 7,39%, cụ thể: Số hộ nghèo đầu năm 2022: 6.334 hộ, chiếm 55,91% thì đến cuối năm 2023 huyện còn 4.702 hộ, giảm 861 hộ, tỷ lệ 40,93%; mục tiêu năm 2024 huyện có kế hoạch giảm 732 hộ nghèo, tỷ lệ giảm xuống còn 34,15%.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%/năm; giảm ½ số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng xã, thị trấn, rà soát nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ để những hộ nghèo thoát nghèo bền vững như: Vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, máy nông cụ, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất... nhằm tạo sinh kế tốt nhất cho nhân dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huy động các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa thiết yếu... Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.../.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh