Để đạt kết quả cao trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn; hạn chế tối đa việc người dân, tổ chức phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ rườm rà và lặp đi lặp lại, xử lý chính xác và nhanh chóng các TTHC. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; yêu cầu cán bộ, công chức bộ phận Một cửa các cấp đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.
Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.
Tỉnh đặt mục tiêu, giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang triển khai quyết liệt các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và bộ ngành Trung ương về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu thực hiện số hóa tất cả các kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, bố trí kinh phí cho các địa phương mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc giải quyết TTHC ở Bộ phận một cửa, cấp chữ ký số miễn phí phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để sử dụng trong giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ được số hóa tăng dần theo từng năm. Theo thống kê năm 2022 tỷ lệ trung bình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan trên Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh đạt 12,29%, năm 2023 tỷ lệ này đạt 43,7%. Tính đến tháng 11/2024, tỷ lệ trung bình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan trên Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh đạt trên 96%, trong đó, trung bình cấp tỉnh đạt 97,31%, cấp huyện đạt 93,86%, cấp xã đạt 95,86%.
Việc niêm yết, tra cứu TTHC bằng mã QR nhận được những phản hồi tích cực từ người dân xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Ông Ma Câm Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của xã luôn đạt 100%. Theo đó, địa phương thực hiện bằng 2 hình thức, đó là trực tiếp và trực tuyến. Khi công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp, công chức chuyên môn bộ phận "một cửa" sẽ tiếp nhận, kiểm tra thành phần hồ sơ. Nếu đầy đủ theo quy định sẽ sao chụp từng loại giấy tờ, chuyển thành tài liệu điện tử và hướng dẫn công dân tạo tài khoản cá nhân để nộp hồ sơ trực tuyến. Sau khi hoàn thành các bước theo quy định, công chức chuyên môn sẽ trình lãnh đạo ký số và chuyển văn thư đóng dấu để trả kết quả cho công dân. Đối với hồ sơ tổ chức, công dân nộp trực tuyến, việc số hóa được thực hiện trên hệ thống "một cửa" điện tử. Quá trình số hóa bảo đảm đầy đủ, chính xác dữ liệu của hồ sơ, giấy tờ được số hóa và tính hoàn thiện về nội dung, quy trình số hóa.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, với chức năng, nhiệm vụ quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, năm 2024, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về cách cập nhật và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Theo đó, lãnh đạo phụ trách Bộ phận Một cửa, chuyên viên làm việc tại Bộ phận Một cửa, chuyên viên các phòng, ban chuyên môn tham gia quá trình giải quyết TTHC và văn thư của các cơ quan, đơn vị được hướng dẫn cách tạo tài khoản số để mỗi tổ chức, cá nhân có một số định danh duy nhất, cho phép liên kết, chia sẻ dữ liệu qua kho dữ liệu số hóa; hướng dẫn số hóa, ký số thành phần hồ sơ trong quá trình tiếp nhận để đưa về kho dữ liệu hồ sơ TTHC phục vụ lưu trữ, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa; hướng dẫn ký số văn bản điện tử; cách tiếp nhận, giải quyết, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cách đồng bộ hồ sơ sang phần mềm của các bộ, ngành Trung ương trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh...
Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm thay đổi thói quen từ làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường mạng. Qua đó, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách TTHC trong giai đoạn hiện nay./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh