Người “nặng lòng” với chữ cổ Nôm Dao

19/09/2023 - 16:25
77
Cỡ chữ:

Với mong muốn gìn giữ văn hóa đặc sắc của người Dao, đặc biệt là chữ Nôm Dao những năm qua, ông Bàn Văn Tiến người Dao Coóc Mùn, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã dày công sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy chữ viết của người Dao cho thế hệ trẻ.

Ông Bàn Văn Tiến vẫn được người Dao ở thôn Minh Lợi, xã Trung Minh ví như “của hiếm” của bản vì sự am hiểu về văn hóa dân tộc Dao, đặc biệt là chữ viết cổ của người Dao. Ông Tiến chia sẻ, nhờ có chữ viết riêng mà từ xa xưa, dân tộc Dao đã có hệ thống nguồn tư liệu quý giá với những cuốn văn tự có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Trong đó có 2 bộ sách lớn nhất là: Bộ sách giáo khoa, dùng cho việc dạy học gồm 15 cuốn, chia thành 3 phần với nội dung truyền dạy về lịch sử dân tộc, giáo dục đạo đức, triết lý nhân sinh. Theo quan niệm của người Dao thì vạn vật đều có linh hồn, tồn tại các vị thần gió, thần mưa, thần trông coi lúa gạo, hoa màu và chăn nuôi... Do đó, người Dao có nhiều nghi lễ, như: cúng mưa, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc, cúng thần rừng, cấp sắc... Những nghi lễ đó được lưu giữ trong những cuốn sách cổ nhưng phải là những người biết đọc chữ Nôm Dao mới có thể thực hiện được.

Tuyenquang.gov.vn

Ông Bàn Văn Tiến (ngoài cùng bên trái) dạy chữ Nôm Dao cho học trò

Được cha, ông để lại cho những cuốn sách cổ và được dạy chữ Nôm Dao từ nhỏ nên ông Bàn Văn Tiến am hiểu chữ viết cổ của dân tộc Dao. Với mong muốn sưu tầm tìm hiểu văn hóa nguồn cội từ những cuốn sách cổ sau đó truyền lại cho thế hệ sau nên ông Tiến đã không quản đường xá xa xôi đi tìm gặp những già làng, trưởng bản, người cao tuổi người Dao để sưu tầm sách cổ.

Ông Tiến nhớ lại, ngày đó, công việc sưu tầm sách cổ khó khăn lắm. Có những cuốn sách bằng tiếng Dao, phải đi mất mấy ngày trời thuyết phục rồi thương lượng “đổi sách lấy gạo” mới có được. Nhiều cuốn cũ nát có nguy cơ mất hết thông tin, ông đã tỉ mỉ chép lại…

Ông Tiến cũng cho hay: Những ai đã sưu tầm sách cổ thì đều sẽ trân quý những cuốn sách lắm. Bởi, kho sách hàng trăm năm tích lũy kho tàng tri thức bao đời nên quý lắm, giá trị lắm. Tuy nhiên, trong văn hóa của người Dao, có những cuốn sách không phải ai cũng được xem, phải là người một lòng hướng về tổ tiên, hiểu phong tục văn hóa để thực hiện nhiều lễ nghi thì mới được tổ tiên cho phép.

Là người am hiểu về chữ Nôm Dao, đọc được các cuốn sách cổ nên ông Tiến đã tỉ mỉ dịch: thơ ca, truyện cổ, lời Páo dung… ra tiếng Việt để nhiều người hiểu hơn về văn hóa người Dao. Ông Tiến bảo, gìn giữ không phải là giữ cho riêng mình mà phải truyền dạy, chia sẻ cho mọi người cùng biết, cùng gìn giữ, trân trọng văn hóa dân tộc mình.

Điều ông Tiến trăn trở đó là làm như thế nào để con cháu người Dao biết được chữ viết người Dao. Để làm gương ông dạy các con cháu trong nhà, yêu cầu con cháu không chỉ biết nói tiếng Dao mà phải biết chữ Nôm Dao. Con trai ông là Bàn Minh Lâm và cháu là Bàn Kim Duy giờ đây đều là những người am hiểu văn hóa Dao, biết chữ Dao, thuần thục các nghi thức nghi lễ.

Anh Bàn Kim Duy chia sẻ: Ngay từ khi còn bé, tôi đã theo ông nội tham dự các nghi lễ, học chữ Nôm Dao. Được học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Đây là kho tàng kiến thức cho mình hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc, để sau này còn truyền dạy cho con cháu. Khi mạng internet ngày càng phát triển, tôi được ông nội đồng tình, khuyến khích việc giới thiệu chữ viết lên internet, tham gia mạng xã hội để giao lưu học hỏi cộng đồng người Dao trong nước.

Tuyenquang.gov.vn

Học trò của ông Tiến được khuyến khích giới thiệu chữ viết lên internet, tham gia mạng xã hội để giao lưu học hỏi cộng đồng người Dao trong nước.

Cũng là một trong những học trò đã theo ông Tiến học chữ, học cách thực hành các nghi lễ của người Dao, Nghệ nhân dân gian Chu Tuần Ngân, thôn Bản Pình, xã Trung Minh chia sẻ: Khi còn trẻ, thầy Tiến là người dạy chữ và hướng dẫn tôi thực hành các nghi lễ, thầy am hiểu văn hóa Dao và luôn nhiệt tình truyền nghề. Nhờ có sự dạy dỗ của thầy Tiến, tôi đã yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. Học theo thầy, tôi cũng miệt mài nghiên cứu, thực hành và truyền dạy lại văn hóa của dân tộc Dao cho thế hệ trẻ.

Không chỉ được biết đến là người tận tâm với văn hóa dân tộc Dao, ông Bàn Văn Tiến còn là người uy tín trong đồng bào Dao ở Trung Minh. Ông là người đầu tiên của bản biết chữ, đảng viên đầu tiên đảm nhận nhiều chức vụ từ đại biểu hội đồng nhân dân xã, chủ tịch UBND xã, bí thư Đảng ủy xã... Dù ở cương vị nào ông vẫn hết lòng vì việc làng, việc bản. Và khi về hưu ông vẫn không cho mình ngơi nghỉ vẫn trọn lòng gắn bó văn hóa Dao.

Ông là đời thứ 23 làm thầy Tào của dòng tộc họ Bàn. Ông tự hào nói rằng, nhiệm vụ của thầy Tào là thực hiện các lễ cúng là để cầu mong những điều tốt đẹp đến gia chủ, cộng đồng, thôn, bản; hướng con người đến những điều tốt đẹp và luôn nhắc nhở con cháu không bao giờ quên tổ tiên, nguồn cội.

Nhiều năm qua, ông Tiến đã vận động các thầy tào, thầy cúng chủ động cắt bỏ các lễ nghi rườm rà, rút gọn thời lượng thực hiện các nghi lễ để tiết kiệm chi phí, thời gian cho bà con. Dần dà, các nghi thức ngắn gọn trở nên quen thuộc. Trước đây, đám cưới mất tới 3 ngày 3 đêm thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm; lễ cấp sắc trước phải mất tới 7 ngày 7 đêm giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm. Còn các thủ tục thách cưới cũng chỉ là tượng trưng để nhắc nhở con cháu giá trị trong hôn nhân.

 “Mong muốn lớn nhất của tôi là những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao sẽ không bị mai một, thế hệ trẻ người Dao sẽ cùng gìn giữ những giá trị văn hóa ấy, sống theo lời dăn dạy của tổ tiên, luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho xã hội. Thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, dạy chữ Nôm Dao và truyền lại kiến thức về văn hóa người Dao cho các thế hệ sau…” ông Tiến chia sẻ.

Bên cạnh truyền dạy chữ viết Nôm Dao, hiện nay ông Tiến còn tích cực sáng tác, viết lời mới cho làn điệu Páo dung cho Đội văn nghệ của xã đi tham gia biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh. Khi nhìn thấy những người trẻ yêu thích, đón nhận giá trị văn hóa cội nguồn, với ông, đó là niềm vui và niềm hạnh phúc.

PV

 
 

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Tạ Văn Dũng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tầng 2, Trung tâm Hội nghị tỉnh, số 219 đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang