Qua 2 lần vay vốn hỗ trợ chuyển đổi việc làm từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên, anh Nguyễn Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã gây dựng cho mình được mô hình kinh tế mà nhiều thanh niên nông thôn ngưỡng mộ. Hiện anh có 1.000 gốc mít tứ quý giống Thái Lan, cho quả quanh năm, múi to, chất lượng tốt để chế biến mít sấy.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi chị Hà Thị Toán (bên phải ảnh), thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) đã mở rộng được cửa hàng kinh doanh
Để thuận lợi cho đầu ra và sản xuất với quy mô lớn, có nhãn hiệu sản phẩm, anh thành lập Hợp tác xã sản xuất và Thương mại Minh Phát, đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc sấy hoa quả. Hiện Hợp tác xã có sản phầm mít sấy và hoa quả sấy tổng hợp. Năm 2023, hợp tác xã thu hoạch 40 tấn mít quả và 5 tấn mít sấy. Doanh thu đạt 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 170 triệu đồng. Anh Doanh cho biết, anh đã được vay 2 lần vốn hỗ trợ chuyển đổi việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên, đó chính là điều kiện để anh phát triển được mô hình sản xuất như hôm nay.
Nhiều năm trước, mọi chi phi sinh hoạt của gia đình chị Hà Thị Toán, dân tộc Tày, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chỉ trông vào cửa hàng tạp hóa nhỏ. Chị Hà Thị Toán cho biết, gia đình có 4 miệng ăn, hai đứa con tuổi ăn học nên cuộc sống cũng rất vất vả. Đầu năm 2020, qua bình xét tại địa phương, chị được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay thương nhân hoạt thương mại tại vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH để mở rộng, phát triển kinh doanh. Có vốn, chị mở rộng cửa hàng, bán thêm quần áo may sẵn, nguyên vật liệu, đồ gia dụng,.. để phục vụ người dân trong và ngoài thôn. Cửa hàng ngày càng kinh doanh ổn định, cuộc sống gia đình chị Toán cũng nhờ vậy mà có của ăn, của để, thêm điều kiện cho con cái học hành.
Cùng với chuyển đổi nghề, đầu tư phát triển kinh tế thì nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ gia đình vượt khó, thoát nghèo bền vững. Anh Khương Anh Tú, thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, bản thân anh không có nghề nghiệp ổn định nên kinh tế ra đình rất bấp bênh. Sau nhiều năm đi làm thuê bên ngoài không có hiệu quả, anh Tú quyết định ở nhà, tìm hướng phát triển kinh tế. Qua các kênh thông tin, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng hồng xiêm, trồng bưởi để phát triển kinh tế gia đình. Cũng theo anh Tú, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH được vay dài hạn, lãi suất thấp giúp những hộ gia đình còn khó khăn như anh giảm áp lực về việc trả nợ. Nhờ đó, gia đình anh yên tâm lao động, sản xuất.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Dương thăm mô hình trồng cây ăn quả của anh Khương Anh Tú (giữa ảnh) thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh
Theo ông Phạm Quý Cảo, Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh (Sơn Dương), hiện nay, toàn xã Tú Thịnh có 592 hộ đang được tiếp cận với các chương trình vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 28 tỷ đồng. Nguồn tín dụng chính sách đã và đang giúp các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã từng bước ổn định cuộc sống, có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương...
Phát huy hiệu quả của nguồn vốn, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung nguồn lực triển khai cho vay, với nhiều chương trình: Cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay thương nhân vùng khó khăn… Qua đó, tạo thêm nguồn lực thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, tính từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 4.300 tỷ đồng, với trên 100 nghìn hộ vay vốn. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để triển khai thực hiện tốt hơn nữa xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ngân hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi…/.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh