Những chính sách nổi bật về kinh tế có hiệu lực từ tháng 4/2025

01/04/2025 - 06:00
287
Cỡ chữ:

Bước sang tháng 4/2025, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan đến kinh tế, xã hội chính thức có hiệu lực, trong đó nổi bật là thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, phân bổ vốn đầu tư công, quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững... Các quy định mới này không chỉ tác động đến doanh nghiệp, người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

 

Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại

Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền hoặc đang có quyền sử dụng đất có hiệu lực từ 01/4/2025.

Tại khoản 3 Điều 3 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện: 

Thứ nhất, phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thứ hai, phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.

Thứ ba, phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do HĐND cấp tỉnh thông qua.

Thứ tư, có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.

Quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững

Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025” có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.

Thông tư 09/2025/TT-BTC quy định các nội dung chi nhằm phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, bao gồm: Xây dựng tài liệu về kinh doanh bền vững; kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng, nhà đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về kinh doanh bền vững; bồi dưỡng nâng cao nhận thức; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo Chương trình 167 và quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm xác định nội dung và đối tượng hỗ trợ theo đúng quy định. Việc xác định chi phí, kinh phí hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ thực hiện theo Thông tư số 52/2023/TT-BTC. Mức hỗ trợ ngân sách cho từng nội dung áp dụng theo định mức cao nhất quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng

Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2025.

Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp. 

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông.

Khoản 3 Điều luật này quy định về việc bãi bỏ 11 Nghị định dưới đây khi Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực:

(1) Nghị định 51/2016/NĐ-CP  quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

(2) Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

(3) Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước;

(4) Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

(5) Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một  tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

(6) Nghị định 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một  điều của Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một  tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

(7) Nghị định 64/2023/NĐ-CP bổ sung Nghị định 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một  tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

(8) Nghị định 121/2016/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;

(9) Nghị định 74/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;

(10) Nghị định 82/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi tại Nghị định 74/2020/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội;

(11) Nghị định 79/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi tại Nghị định 74/2020/NĐ-CP và Nghị định 82/2021/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Trường hợp sinh viên sư phạm được xóa mức bồi hoàn tiền hỗ trợ học phí từ ngày 20/4/2025 

Nghị định Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Hàng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh (nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng) để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30/12 hàng năm căn cứ vào giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục của sinh viên sư phạm, UBND cấp tỉnh (nơi sinh viên thường trú) rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.

Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí..

Cụ thể, khoản 7 Điều 1 Nghị định 60/2025/NĐ-CP quy định trường hợp sinh viên sư phạm được xóa, miễn, giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí: Sinh viên sư phạm được sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn nếu thuộc đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần; Sinh viên sư phạm được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 20/4 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026 trở về sau

Những quy định mới này không chỉ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn giúp định hướng phát triển bền vững, tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận các chính sách mới.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang