Nỗ lực khôi phục sản xuất thủy sản sau lũ

30/10/2024 - 08:18
66
Cỡ chữ:

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã làm thiệt hại 527 lồng cá của người dân nuôi cá lồng trên sông Lô – Gâm và hồ thủy điện, trong đó có nhiều lồng cá đặc sản, trị giá cả tỷ đồng. Để khôi phục sản xuất thủy sản, các cấp, các ngành và người nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực gia cố lại lồng bè, vệ sinh môi trường, chuẩn bị con giống chất lượng… để tiếp tục bước vào vụ nuôi mới.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, trận lũ sau hoàn lưu bão số 3 đã làm 499 ha diện tích nuôi cá và 527 lồng nuôi cá bị thiệt hại, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: tầm, chiên, bỗng, lăng nha, lăng đen... Trong đó, Chiêm Hóa là huyện bị thiệt hại nặng nhất với 370 lồng. Trước mắt một số hộ đã bắt đầu tái tạo, vào đàn trở lại từng bước khôi phục lại nghề.

Tại thành phố Tuyên Quang, hơn 1 tháng nay, anh Đỗ Anh Việt, phường Tân Quang cùng tốp thợ sắt miệt mài làm lại hệ thống lồng nuôi cá. Trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn sạch tài sản của gia đình, 2 lồng bị vùi lấp, cuốn trôi, những lồng còn sót lại cũng bị lũ quật nát, không thể tái sử dụng. Anh Việt chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng đã gắn bó với gia đình ăn nhiều năm qua, đây cũng là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình, vì vậy, dù bị thiệt hại nhiều nhưng gia đình vẫn cố gắng để gây dựng lại. Trước đây, gia đình chủ yếu nuôi dòng cá đặc sản như chiên, bỗng, quất, lăng thời gian nuôi lâu, vốn lớn. Trong hoàn cảnh hiện nay anh sẽ tiến hành nuôi đan xen với cá thông thường khác là trắm, trôi, rô phi để đảm bảo sinh kế.

Người dân về Trung tâm Thủy sản tỉnh mua cá giống tái tạo đàn.

Anh Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết: Lũ đã tàn phá hết hệ thống lồng của các thành viên hợp tác xã nên để đảm bảo nuôi lại được cá gần như phải đầu tư, đóng mới lại hoàn toàn bộ hệ thống lồng bè. Dẫu tốn kém nhưng bà con quyết giữ nghề, vì nghề nuôi cá lồng trên sông Lô vốn đã thành thương hiệu không chỉ của Yên Nguyên rồi. Hiện hợp tác xã đang cho cẩu các lồng lên bờ, cái nào có thể sử dụng được sẽ gia cố để tận dụng lại, còn những lồng đã bị hư hại thì thanh lý để đóng mới.

Theo lời anh Thiết, anh cũng mong tỉnh, huyện, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ vốn, giống để người chăn nuôi cá lồng bị thiệt hại do thiên tai nhanh chóng khởi nghiệp lại.

Các hộ dân nuôi cá lồng bị ảnh hưởng do mưa lũ đang nỗ lực khôi phục sản xuất, tuy nhiên với những hộ chăn nuôi lớn để khôi phục sản xuất bên cạnh nỗ lực của chủ thể còn rất cần trợ lực từ chính quyền, ngành chức năng và tổ chức tín dụng. Anh Trịnh Văn Hà, tổ 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) chia sẻ: Trận lũ ngày 10, 11/9, đã cuốn trôi toàn bộ hệ thống lồng bè, thiết bị phục vụ sản xuất của gia đình, ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng. Để khôi phục lại ngay thời điểm này là vô cùng khó khăn với gia đình. Tôi rất muốn nhận được sự trợ giúp, đồng hành của huyện, ngành Nông nghiệp, ngân hàng giúp khởi nghiệp lại.

Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của Nhân dân, UBND tỉnh đã có văn bản số 4903/UBND-KT ngày 23/10/2024  về việc đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, lập danh sách những địa phương bị thiệt hại để đề xuất chính sách hỗ trợ. Riêng với ngành nghề chăn nuôi thủy sản, để đảm bảo chăn nuôi ổn định, Sở yêu cầu các địa phương tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thủy sản chết theo quy định; bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè, lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, môi trường sông nước. Riêng với nguồn con giống Sở đã giao cho Trung tâm Thủy sản cung ứng đủ con giống để phục vụ nhu cầu tái đàn của người dân sau bão số 3.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Nguyễn Quang Nghĩa, Trung tâm cam kết cung ứng đủ các loại con giống từ đặc sản đến thông thường phục vụ nhu cầu của thị trường, giá các loại giống vẫn giữ nguyên, không có biến động. Trong trường hợp nhu cầu thị trường cao, Trung tâm sẽ kết nối với các Trung tâm Thủy sản trong toàn quốc để cung ứng giống đảm bảo chất lượng giúp bà con tái tạo lại đàn. Khuyến cáo, người chăn nuôi cá tranh thủ nhiệt độ còn cao thả cá sớm, tránh trường hợp thả cá thời điểm cuối năm nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng đến sức đề kháng của cá con.

Thông tin từ hệ thống ngân hàng, ngân hàng cũng thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước hoãn, giãn nợ, giảm lãi và thực hiện cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân có vốn mới quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng, trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tái thiết, khôi phục sản xuất.

Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nỗ lực của người dân… trong thời gian sớm nhất sản xuất thủy sản của tỉnh sẽ được phục hồi.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang