Nông nghiệp Tuyên Quang: Một năm vượt khó thành công

15/01/2025 - 09:26
24
Cỡ chữ:

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn tăng 4,85% so với năm 2023, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2024, nhiều chứng nhận, kết quả lần đầu tiên của ngành được công nhận, đánh dấu một năm vượt khó thành công. Góp phần đưa nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vượt khó để “về đích”

Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoàn lưu cơn bão số 3 đã khiến ngành nông nghiệp tỉnh thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại, ngành đã phối hợp với các địa phương khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân huy động tối đa các nguồn lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các diện tích lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tái sản xuất khi các điều kiện đảm bảo; chuẩn bị các giống cây trồng, vật nuôi phục vụ bà con nông dân.

Tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, ngay sau khi cơn bão số 3 gây gập lụt đi qua, việc xử lý, phục hồi hơn 360 ha bưởi bị thiệt hại đã được chính quyền và bà con nhân dân khẩn trương thực hiện. Ông Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, nước rút đến đâu người dân chủ động bơm nước rửa lá và quả bưởi đến đó; đồng thời xử lý môi trường, phun khử trùng, chống lại toàn bộ cành cây, bổ sung chất dinh dưỡng để cây tiếp tục có sức nuôi quả và sinh rễ thay thế.

Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã chỉ đạo chung tay khắc phục, nhất là ý chí và nghị lực của người dân, ngành nông nghiệp của tỉnh đã được tái thiết đúng nhịp độ và kế hoạch đề ra.

Vườn cam trĩu quả của người dân xã Yên Phú, huyện Hàm Yên

Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt trên 11.330 tỷ đồng, tăng 4,85% so với năm 2023; trồng trên 11.600 ha rừng, đạt 110,5% kế hoạch; sản lượng lương thực đạt trên 330.000 tấn. Hiện, toàn tỉnh đã có 3.630 ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, Rainforest; thực hiện cấp 14 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường: EU, Trung Quốc và 15 mã số vùng trồng nội tiêu với diện tích 250 ha/480 hộ tham gia.

Đặc biệt, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức xuất khẩu lô hàng với 7 sản phẩm nông sản sang thị trường Vương quốc Anh, gồm: trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà túi lọc đậu đen xanh lòng, siro chanh, siro tắc và bưởi Soi Hà. Đây là kết quả bước đầu của hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng, định hướng xuất khẩu, nhằm đưa sản phẩm nông sản đặc sản chủ lực của Tuyên Quang ra thị trường thế giới.

Năm 2024 cũng là năm ghi nhận những cái “đầu tiên” với ngành nông nghiệp, khi lần đầu tiên, rừng trồng của Tuyên Quang chính thức được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Đây là bước đi rất lớn không chỉ nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến rừng trồng của cả nước. Năm 2024, Tuyên Quang tiếp tục có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia là Ván sàn Woodsland và đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Trước đó, sản phẩm giấy và bột giấy An Hòa của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã được công nhận danh hiệu này.

Kinh tế lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững với trên 83.231 lượt ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (cao nhất cả nước).

Cùng với đó, đến nay toàn tỉnh có 221 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 189 sản phẩm 3 sao, 31 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đặc biệt, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, đa giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang.

Toàn tỉnh cũng xây dựng được 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; 107 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý…

Tiếp tục tạo đột phá

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba lĩnh vực đột phá.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao; mở rộng diện tích cây trồng có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi; quản lý chặt chẽ việc khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.

Trước mắt, hoàn thiện Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất và chế biến gỗ; chủ động các giải pháp tăng trưởng chỉ tiêu kế hoạch lâm nghiệp; mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC; nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, củng cố các chốt, trạm, làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình, liên kết các chuỗi sản xuất và phát triển các sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn...

Năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,6% so với thực hiện năm 2024; sản lượng lương thực đạt trên 340.000 tấn; trồng 10.500 ha rừng, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1,2 triệu m3; phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

 

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang