Ảnh minh họa
Theo Thông tư, Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Ngân hàng xem xét, quyết định phát hành thư tín dụng khi khách hàng có đủ các điều kiện: Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; nhu cầu mở thư tín dụng để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày phát hành thư tín dụng cho đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của ngân hàng và khách hàng.
Việc gia hạn thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng do các bên thỏa thuận phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.
Ngân hàng xem xét, quyết định xác nhận thư tín dụng khi khách hàng có đủ các điều kiện: Thư tín dụng do khách hàng phát hành để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để thanh toán nghĩa vụ cam kết tại thư tín dụng.
Ngân hàng xem xét, quyết định thương lượng thanh toán khi khách hàng có đủ các điều kiện: Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; thư tín dụng để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; bộ chứng từ đủ điều kiện quy định; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để hoàn trả số tiền được thương lượng thanh toán.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Xem chi tiết Thông tư 21/2024/TT-NHNN tại văn bản đính kèm.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh