Sinh kế bền vững: Đòn bẩy cho mô hình giảm nghèo toàn diện

12/12/2024 - 14:12
226
Cỡ chữ:

Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, các dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo tại huyện Yên Sơn đang dần phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, chương trình hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo và cận nghèo đã mở ra nhiều cơ hội việc làm, tạo sinh kế bền vững, qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống. Đây là bước tiến thiết thực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Yên Sơn được phân bổ hơn 31 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2024, huyện được phân bổ 23.869 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án, nhất là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được huyện bố trí kịp thời, đúng người. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,04% và đến cuối năm 2024 phấn đấu giảm còn 11,31%.

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 17 lớp học nghề, đã đào tạo được 595 học viên tham gia. Các lớp được triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi...

 

Hội LHPN xã Quý Quân (Yên Sơn) phối hợp với Công an xã, đảng viên Chi bộ Bản Cống tham gia lao động hỗ trợ gia đình chị Triệu Thị Thủy, thôn 1, xã Quý Quân hoàn thiện nhà mới.

Cùng với đó, huyện đã tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho hơn 3.635 lao động về các lĩnh vực: Y tế, may dân dụng, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật nề xây dựng, nghề thủ công. Các đối tượng học nghề chiếm trên 70% là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, góp phần tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng từ 32,5% (năm 2010) lên 66,7% (năm 2022).

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết: Năm 2024, huyện Yên Sơn triển khai 26 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí 25.225 triệu đồng. Nhiều địa phương linh hoạt trong công tác đa dạng hóa sinh kế cho người dân, như: Hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới,... để người dân phát triển kinh tế bền vững.

Ngay từ đầu năm, xã Tiến Bộ đã dựa trên kết quả rà soát hộ nghèo và đánh giá toàn diện tình hình đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, để phân loại, chọn lựa các hộ nghèo theo từng mức độ và nguyện vọng cũng như tiềm lực riêng của mỗi gia đình nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Xã đã thành lập các đoàn công tác đến từng hộ dân, nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó xác định hình thức hỗ trợ thiết thực, cụ thể, đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở phân tích điều kiện và mong muốn của từng hộ, các giải pháp hỗ trợ đã được đề xuất nhằm từng bước tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống và thoát nghèo.

Để thúc đẩy người dân trong huyện vươn lên phát triển kinh tế, các sở, ban, ngành, đoàn thể, và địa phương đã triển khai hàng loạt chương trình hành động và phong trào thi đua, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực mạnh mẽ cho giảm nghèo bền vững. Trong đó, hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo,” Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp của huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành với người dân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Tính đến tháng 9/2024, MTTQ các cấp ở Yên Sơn đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội gần 3,4 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này và sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, huyện đã có 453 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở và 48 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; hỗ trợ sinh kế cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Sơn vận động hội viên và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh số tiền 290 triệu đồng, để xây dựng 05 mái ấm tình thương, trị giá từ 50 đến 70 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, các cấp hội tặng quà, hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, hoạn nạn, mặt trận các cấp còn hỗ trợ sinh kế trao vốn đầu tư sản xuất, cây, con giống, công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết để an cư lạc nghiệp.

Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, năm 2024, huyện Yên Sơn đã giải ngân cho 891 lượt hộ nghèo, 414 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với kinh phí trên 98,4 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 890,47 tỷ đồng. Nguồn vốn vay của Ngân hàng được giải ngân kịp thời, tạo niềm tin, động lực, để người nghèo vươn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo hiệu quả, làm giàu từ chính nguồn vốn vay này. Đặc biệt, để người dân nông thôn có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề được quan tâm triển khai thực hiện gắn với nhu cầu của thị trường. 

Với sự linh hoạt trong cách tiếp cận và đa dạng hóa các mô hình sinh kế, công tác giảm nghèo tại Yên Sơn đã và đang đem lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, để tiếp tục đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Yên Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Các biện pháp này sẽ tạo nền tảng vững chắc, giúp cộng đồng không chỉ thoát nghèo mà còn có thể phát triển lâu dài, toàn diện và ổn định.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang