Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, hàng năm được sử dụng với số lượng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất và sử dụng phân bón cân đối, đúng cách góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và duy trì độ phì nhiêu của đất. Theo xu thế chung hiện nay, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng.
Hội Nông dân huyện Lâm Bình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ cho nông dân.
Ông Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng cũng là một trong những người tiên phong trồng cam hữu cơ ở xã Tân Thành (Hàm Yên). Năm 2018 ông bắt tay vào trồng cam theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 3 ha. Nếu trước kia trồng cam thông thường, đến vụ bón phân ông chỉ cần mang lên đồi bón là xong, cây bị sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Nhưng trồng cam hữu cơ quy trình hoàn toàn khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn so với làm truyền thống. Nguồn phân bón được ông ngâm, ủ từ đỗ tương, cá, quả chuối… thuốc trừ sâu là sử dụng hỗn hợp các loại củ quả từ tự nhiên, làm cỏ bằng phương pháp thủ công.
Ông Hùng cho biết, từ khi làm cam hữu cơ ít phải tiếp xúc với hóa chất độc hại nên cơ thể cũng khỏe hẳn ra. Sau hơn 7 năm kiên trì với mục tiêu đề ra, vườn cam hữu cơ của gia đình ông luôn được thị trường đón nhận, kể cả các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Vụ cam năm nay trừ chi phí cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX chăn nuôi Thành Lâm, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã tận dụng triệt để nguồn chất thải từ chăn nuôi, xử lý kỹ và tái đầu tư vào sản xuất. Đến nay, đàn bò của HTX luôn duy trì trên 100 con, lượng chất thải rất lớn từ chăn nuôi được gom lại để nuôi trùn quế. Khi chất thải hoai mục sẽ được tái sử dụng làm phân bón cho diện tích hơn 20 ha đất canh tác ngô, cỏ voi của các thành viên trong HTX luôn được bổ sung tối đa lượng phân hữu cơ nên đất rất tơi xốp, cây trồng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất rất cao. Điển hình như vụ ngô đông vừa qua, năng suất cây ngô sinh khối đạt trên 2 tấn/sào, cao hơn hẳn so với diện tích không được bổ sung phân hữu cơ.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 439/UBND-KT chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất, góp phần phát triển sản xuất trồng trọt bền vững.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn hướng dẫn người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và ủ làm phân bón cho cây trồng.
Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của sức khỏe đất trong sản xuất trồng trọt; phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý và nông dân; xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm mô hình giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), VietGAP, hữu cơ; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... để nhân rộng trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao độ phì nhiêu của đất và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 ha cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; bao gồm các sản phẩm chè, cây ăn quả, cây lương thực…
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp, chủ thể HTX, người nông dân Tuyên Quang đã nhận thức đúng, dần quay trở lại với sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên của cha, ông hay nói cách khác là sản xuất tuần hoàn, sản xuất hữu cơ đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững nhất. Phân bón hữu cơ vừa cung cấp các chất dinh dưỡng đa, trung và vi lượng cho cây trồng, vừa cung cấp cho đất lượng mùn lớn để duy trì sự hoạt động của các sinh vật và vi sinh vật. Các chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ được chuyển đổi từ những thành phần dễ phân hủy trong nguyên liệu hữu cơ như chất xơ, tinh bột, protein, amino acid…
Để việc sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ được thực hiện rộng rãi, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tin tưởng và áp dụng; khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm phân hữu cơ. Từ đó phân hữu cơ giúp tạo ra nông sản thơm ngon, chất lượng cao.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh