Theo Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Tuyên Quang, xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, do đó, thời gian qua Phòng CSGT, Công an tỉnh và Đội CSGT, trật tự công an các huyện, thành phố chủ động phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn... Đồng thời, kết hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn nơi có nhiều phương tiện tham gia giao thông nhằm hạn chế tình trạng lái xe trốn tránh việc kiểm tra nồng độ cồn; huy động tối đa lực lượng bố trí nhiều tổ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn vào các khung giờ cao điểm, nhất là buổi chiều và tối.
Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh làm thủ tục xử lý hành chính về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng CSGT xử lý nghiêm các vi phạm giao thông theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Bên cạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, lực lượng còn tích cực tuyên truyền, ký cam kết với các chủ nhà hàng, quán ăn nhắc khách không lái xe sau khi đã uống rượu, bia; treo băng rôn “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” ở những nơi dễ quan sát…
Với các giải pháp đồng bộ, việc xử lý nghiêm túc, không nể nang, né tránh… từ đầu năm đến nay hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn, đã bị xử lý nghiêm; tai nạn giao thông nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia đã được kéo giảm; các vụ gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ cũng giảm so với trước.
Theo báo cáo của Phòng CSGT, Công an tỉnh, từ ngày 15/12/2023 đến 5/8/2024, lực lượng đã xử lý 13.338 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền xử phạt hành chính gần 29 tỷ đồng; tước 2.434 giấy phép lái xe các loại; tạm giữ 4.164 phương tiện. Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên 3.000 trường hợp (2.808 trường hợp vi phạm nồng độ cồn là người điều khiển xe mô tô); phạt tiền trên 12,5 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 1.611 trường hợp. Qua số liệu trên cho thấy lỗi vi phạm này vẫn còn khá phổ biến, chiếm 27% tổng lỗi vi phạm, số tiền phạt chiếm 45% tổng số tiền phạt.
Việc kiên quyết không bỏ qua các vi phạm nồng độ cồn đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông; hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Anh Lê Thanh Tuyền, tổ 5, phường Ỷ La cho biết: Sau khi được tuyên truyền, nhận thấy tác hại của việc lái xe khi đã sử dụng rượu, bia nên mỗi khi đi liên hoan, ăn uống cùng bạn bè mà có sử dụng bia, rượu, tôi thường đi tắc xi. Hoặc nếu đã lái xe đi thì tôi sẽ không uống bia, rượu, chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho chính mình và những người tham gia giao thông.
Chia sẻ về giải pháp trong thời gian tới, Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với phương châm 3 không là: “không vùng cấm - không ngoại lệ - không ngày nghỉ”, lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn (cũng như các vi phạm ATGT khác) trong những tháng cuối năm 2024. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Mục tiêu là xây dựng thói quen tốt cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông…
Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thì người dân cần nắm rõ Luật Giao thông đường bộ, hình thành ý thức khi tham gia giao thông không nên uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh