Tiêm phòng cho gia súc trên địa bàn xã Bình An (Lâm Bình).
Xác định tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, mỗi năm 2 đợt tiêm, gia đình anh Cháng A Vào ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) đều chủ động đăng ký số lượng vật nuôi với cán bộ thú y địa phương. Theo anh Vào, gia đình hiện đang nuôi nhốt trên 10 con trâu, bò, những năm trước đây, do chưa nhận thức được việc tiêm phòng nên khi thôn, xã thông báo lịch tiêm gia đình chủ quan và nghĩ không cần thiết nên gia súc bị mắc bệnh. Hiện nay, gia đình anh Vào đã chủ động phối hợp với cán bộ thú y xã tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi của gia đình. Đặc biệt, thời điểm giao mùa việc tiêm phòng được tăng cường bởi đây là lúc các bệnh dễ bùng phát.
Không chỉ ở huyện Lâm Bình, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Điểm đáng ghi nhận đó là sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi trong phòng ngừa dịch bệnh. Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết: Xã đang chỉ đạo các thôn rà soát số lượng đàn vật nuôi, triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững.
Để công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, ông Tạ Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Sơn cho hay: Phòng phối hợp với các địa phương triển khai sớm công tác rà soát tổng đàn thuộc diện tiêm để kịp thời đăng ký số lượng vắc xin với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Cùng với đó, nhân viên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện được phân công địa bàn thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi trước khi triển khai tiêm phòng.
Để chăn nuôi phát triển trang trại ổn định và hiệu quả, việc tiêm vắc xin phòng bệnh, khử trùng, tiêu độc môi trường cho vật nuôi được gia đình anh Trịnh Văn Lực, ở xã Xuân Vân (Yên Sơn) ưu tiên hàng đầu. Hàng năm, trang trại tổng hợp của gia đình anh Lực thực hiện tiêm các loại vắc xin như lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu phi… đều đặn cho đàn lợn của gia đình. Do đó, trên 1.000 con lợn thịt và nái của gia đình phát triển khỏe mạnh.
Người dân xã Hồng Sơn (Sơn Dương) chăm sóc đàn gia cầm.
Vụ xuân - hè năm nay toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng cho hơn 5,53 triệu con gia súc, gia cầm. Trong đó, một số huyện có số lượng đàn vật nuôi phải tiêm phòng cao như huyện: Sơn Dương hơn 1,3 triệu con, Chiêm Hóa hơn 1,1 triệu con...
Thực hiện Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi hiểu về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Triển khai kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh ta không xảy ra các ổ dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn vật nuôi 1 số tỉnh, thành diễn biến phức tạp. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, góp phần thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Từ đầu tháng 2/2025, Chi cục đã tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho lực lượng thú y cấp huyện, xã để củng cố kiến thức kỹ thuật tiêm phòng, phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin khi triển khai tiêm phòng. Tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân - hè năm nay được các địa phương thực hiện nhanh, tập trung. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ vắc xin, ngày công tiêm phòng; thời gian tổ chức tiêm và lợi ích khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi để người dân hiểu, tích cực thực hiện. Qua đó, hoàn thành mục tiêu đề ra, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo việc duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho nhân dân./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh