Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Qua 12 năm thi hành Luật Giám định tư pháp và 5 năm thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp” đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp được củng cố, phát triển.
Cả nước hiện có 3 tổ chức pháp y ở trung ương; 55/63 tỉnh, thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; 7 tổ chức pháp y tâm thần được thành lập (2 viện và 5 trung tâm tại các khu vực); có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự và 580 tổ chức giám định giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông... Cả nước có trên 7.135 người giám định viên tư pháp, 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc và đội ngũ này thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật.
Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện trên 1 triệu vụ việc. Trong đó, tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận và thực hiện giám định tổng số 8.358 vụ việc. 100% các vụ việc giám định được tiếp nhận và thực hiện kịp thời, bảo đảm về chất lượng và thời hạn phục vụ việc điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận làm rõ những bất cập, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phục vụ cho công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, kinh tế trong tình hình mới.
Các ý kiến tập trung đề xuất sớm sửa đổi Luật Giám định tư pháp; củng cố, kiện toàn về tổ chức và người làm giám định tư pháp; sửa đổi quy định về chi phí giám định tư pháp, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay...
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh