Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, nội dung và hình thức quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 32/2020/NĐ-CP; Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật; Các sở, ban, ngành, địa phương xác định nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; Huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Việc theo dõi thi hành pháp luật tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: tài nguyên - môi trường, lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy và an sinh xã hội. Đặc biệt, chú trọng đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, giao rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng như chính sách hỗ trợ hậu COVID-19 dành cho người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chủ trì theo dõi việc thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan cũng như chính quyền cấp huyện để thực hiện hiệu quả kế hoạch. Đồng thời, tiến hành điều tra, khảo sát thực tế, thu thập thông tin từ phản ánh của người dân, báo chí, các tổ chức xã hội và hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, đồng thời kiến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật.
Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật sẽ được thực hiện xuyên suốt trong năm 2025, với các mốc thời gian quan trọng như: hoàn thành kế hoạch chi tiết trước ngày 20/02/2025, tổng hợp kết quả khảo sát trước ngày 30/09/2025 và báo cáo toàn diện trước ngày 02/12/2025.
Xem chi tiết kế hoạch tại file đính kèm.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh