Ngày này cách đây 80 năm (22/12/1944), đứng dưới cờ đỏ sao vàng năm cánh, giữa núi rừng bạt ngàn Việt Bắc, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Đó cũng là thời khắc thiêng liêng, đánh dấu sự ra đời của Quân đội chủ lực đầu tiên của Cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Giờ phút trang nghiêm đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ký của mình: “Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là 34 con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù”.
Từ 34 chiến sĩ đầu tiên, sau 8 năm, quân đội đã hình thành các đại đoàn quân, tạo ra thế và lực để Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định, chấp nhận cuộc giao chiến với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên.
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nấc thang mới của ý chí sắt thép từ trong lòng người chiến sĩ áo vải yêu quê hương, đất nước đã rũ bùn, đứng dậy, sáng loà, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ôm súng xông lên ào ào như vũ bão. Điện Biên Phủ như hồi kèn thắng trận, như khúc khải hoàn ca không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng nói của lịch sử nhân loại. Chiến thắng Điên Biên Phủ cũng khẳng định bước tiến bộ trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ảnh tư liệu màu quý hiếm về cờ đỏ sao vàng tung bay chiến thắng trên nắp hầm giặc Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Geneva được ký kết. Cả dân tộc hân hoan trong niềm vui chiến thắng, tưởng chừng hoà bình sẽ được trọn vẹn bằng cuộc tổng tuyển cử. Nhưng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng, chúng không chịu nhìn ra vết xe lầy của thực dân Pháp mà vẫn lao vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Pháp rút đi, Mỹ lập tức nhảy vào dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thi hành Đạo luật 10-59, dựng luỹ thép gai, nhà tù, lê máy chém khắp miền Nam, bắt giết, tàn sát đồng bào, chiến sĩ, ngăn cách đất nước, chia rẽ ý Đảng lòng dân. Cách mạng miền Nam rơi vào tình thế khó khăn trăm bề.
Thế nhưng:
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Nếu lịch sử dân tộc là lịch sử của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thì cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh đau thương nhất và mất mát lớn nhất. Nhưng vượt lên những mất mát, hi sinh, chúng ta đã giành được chiến thắng, giành được độc lập, tự do, Nhân dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc. Đau thương vô cùng nhưng cũng oanh liệt, bất khuất vô cùng.
Dải đất cha ông mấy ngàn năm bồi đắp
Yêu hoà bình nhưng không tiếc máu xương
Hồn liệt sĩ cháy trong hồn dân tộc
Giặc xâm lăng lại xốc tới chiến trường
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyển 1/3 quân số sang làm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong điều kiện còn vô cùng khó khăn, một lần nữa, quân đội ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững cuộc sống bình yên của Nhân dân. Đồng thời, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.
Trong thời bình, quân đội cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng nhân dân. Tại Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân ngày 20/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương khẳng định: "Là đội quân từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, quân đội luôn đồng hành với Nhân dân các địa phương phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, thực sự trở thành hiểm nguy “điểm tựa” vững chắc của Nhân dân trong những lúc nguy nan, gian khó. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngay giữa thời bình, trong cuộc chiến phòng chống thiên tai, dịch bệnh, làm sáng ngời thêm phẩm chất cao quý, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới".
Bộ đội hoàn thành việc giúp dân sau cơn bão Yagi tại Yên Bái
Từ những chiến sĩ đầu tiên chân trần, chí thép, với vũ khí thô sơ là giáo mác, gậy tầm vông đã ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đánh thắng các thế lực ngoại bang xâm lược hùng mạnh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền núi sông, bờ cõi, đóng góp xứng đáng vào hoà bình của nhân loại.
80 năm qua, dưới sự lãnh đaọ của Đảng, quân đội ta đã lập nên bao chiến công lẫy lừng. Những chiến công đó có được là do tinh thần, ý chí quyết tâm, anh dũng, sáng tạo, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hi sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; là sự tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, đóng góp và hi sinh to lớn của nhân dân. Tất cả đã đi vào lịch sử dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu tượng sáng ngời về tinh thần, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nhân dân quên mình, gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng đất nước, bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo vov.vn