Tạo động lực
Gia đình chị Vi Thị Sen ở thôn Khau Tinh, xã Khâu Tinh (Na Hang) thuộc diện hộ nghèo nên không có điều kiện mua téc chứa nước. Vì vậy, gia đình chị lấy "nước lần" từ các khe nước nhỏ trên núi về sử dụng, mỗi khi trời mưa, nước từ đầu nguồn rác chặn, bị đục, bẩn nên việc sử dụng nước sạch của cả gia đình bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, gia đình chị Sen được hỗ trợ 01 téc đựng nước bằng tôn loại 1,5 m3 với trị giá 3 triệu đồng từ dự án nước sạch phân tán. Chị Sen hồ hởi nói: “Từ khi có téc chứa nước bằng inox của Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi đã có vật dụng để chứa nước sinh hoạt, nước đảm bảo vệ sinh hơn. Không phải lo thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mưa bão nữa, gia đình tôi an tâm lao động sản xuất, tạo động lực vươn lên thoát nghèo".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh (Na Hang) cho biết, năm 2023 xã Khâu Tinh nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới nên việc ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thuộc Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được chú trọng. Thực hiện nội dung 4, Dự án 1, xã được đầu tư xây dựng 02 công trình cấp nước tập trung với bể chứa 500m3 nước. Nhờ đó, trên 270 hộ dân thuộc các thôn Khau Tinh, Khau Phiêng, Nà Lũng được hưởng lợi.
Công trình cấp nước tập trung xã Đà Vị (Na Hang) phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân.
Từ nguồn lực Chương trình MTQG, xã Khâu Tinh tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng nông thôn, tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; tuyến đường hư hỏng, xuống cấp được kịp thời tu sửa. Bên cạnh đó Trạm y tế xã được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cuộc sống người dân từng bước được cải thiện. 04 nhà văn hóa của các thôn phát huy hiệu quả là nơi sinh hoạt cộng đồng, người dân được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh… Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã hiện đang được đầu tư xây dựng dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2024.
Còn tại xã Xuân Lập (Lâm Bình), triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều thay đổi. Ông Giàng Xuân Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, đến nay xã đã có 216 hộ dân được ưu tiên đầu tư dự án nước sạch phân tán đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống hạ tầng nông thôn như tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã được nhựa hóa, các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục trong các trường học cũng được chú trọng đầu tư. Hiện nay, xã đang được đầu tư xây dựng cầu qua suối Lũng Giềng đi các thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, sau khi hoàn thành sẽ giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được dễ dàng, thuận tiện hơn; tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân
Tỉnh Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó DTTS chiếm 56,76%. Chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh với 10 dự án và 13 tiểu dự án. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên 2.203 tỷ đồng.
Tuyến đường giao thông xã Khâu Tinh (Na Hang) được đầu tư xây dựng, giúp người dân giao thương thuận lợi.
Đến tháng 5/2024 tỉnh đã thực hiện giải ngân trên 1.132 tỷ đồng, đạt 51%. Từ nguồn vốn được giao, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, đầu tư 178 công trình đường giao thông, 27 công trình thủy lợi, 9 công trình trường, lớp học, 3 công trình điện nông thôn, 12 công trình nước sinh hoạt, 15 công trình cầu, 30 công trình phụ trợ, cải tạo, xây dựng mới 10 công trình chợ, 70 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng.
Từ nguồn vốn Chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 1.276 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.517 hộ; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ 13 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 4 dự án phát triển sản xuất cho cộng đồng… 100% các xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt 99,9%. Từ khi triển khai Chương trình tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 4%/năm.
Trung tâm xã Phúc Sơn (Lâm Bình).
Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi và một số công trình khác được xây dựng. Nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán… Từ đó, giúp người dân vùng đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo động lực để người dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương.../.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh