Tuyên Quang: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó biến đổi khí hậu

14/10/2024 - 14:13
115
Cỡ chữ:

Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Thay đổi cơ cấu cây trồng – Chìa khóa thích ứng

Trong những năm gần đây, Tuyên Quang đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Các loại cây có giá trị cao, đặc trưng của tỉnh như chè, chanh tứ mùa, cam sành và cây trồng rừng đã được đưa vào sản xuất. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng đất.

Tiêu biểu như cây chè, được xem là cây trồng cao sản thích hợp với khí hậu miền núi và đất đồi ở Tuyên Quang. Diện tích trồng chè hiện đã đạt gần 9.000 ha, trong đó khoảng 2.300 ha là chè đặc sản. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt hơn 75.000 tấn, trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân tại địa phương.

Ngoài ra, cây chanh tứ mùa đã trở thành một loại cây trồng "nổi bật" tại Tuyên Quang, với diện tích lên đến 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hàm Yên và TP. Tuyên Quang. 

Chanh tứ mùa đang góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cao cho người dân địa phương.

Đi đầu trong phong trào trồng chanh tứ mùa và đưa chanh xuất khẩu sang các nước châu Âu và Trung Đông phải kể đến HTX Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc ở phường Đội Cấn, Tp. Tuyên Quang với diện tích khoảng 100ha và hàng chục hội viên tham gia.

Khởi nghiệp với việc trồng cây Chanh tứ mùa từ năm 2015, Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc HTX nhớ lại: Năm 2013 tình cờ biết đến chanh tứ mùa ở miền Trung, miền Nam dùng được quanh năm lại rất mọng nước, cho quả nhiều. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế, phù hợp trồng ở vùng đất thổ nhưỡng, khí hậu ôn hoà nên anh đã thực hiện chuyển đổi cây trồng từ ngô sang chanh tứ mùa. Anh Nam cho biết, HTX chuyên bán chanh quả và cung cấp các sản phẩm sản xuất từ quả chanh như: Nước rửa bát chanh, xịt tinh dầu chanh, nước cốt chanh tươi... Hiện HTX có 9 hộ thành viên, mỗi hộ có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 40 - 50 lao động ở địa phương, với mức lương 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. 

Các mô hình cây trồng mới cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương khác ở Tuyên Quang, điển hình như mô hình liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt tại các huyện Sơn Dương và Yên Sơn; mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, triển khai tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Na Hang.

Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình mới đều cho hiệu quả cao nhờ phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học – kỹ thuật và thích ứng phù hợp với điều kiện khí hậu đặc thù của địa phương.

Theo Ông Nguyễn Xuân Trình, thôn Bình ca I, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, nhờ trồng cây cam, ổi và bưởi kết hợp với nhau đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Trình chia sẻ: Để cây trồng ra quả đều, năng suất, chất lượng cao, ngay từ những ngày đầu triển khai tôi đã quy hoạch, trồng theo đặc tính của từng loại cây. Phần đất soi bãi trồng ổi, bưởi, đất đồi trồng cam, bởi vậy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, tôi còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, dùng phân bón hữu cơ, chăm sóc theo quy trình VietGAP, bởi vậy sản phẩm hoa quả của gia đình luôn được tư thương đặt mua hết ngay từ đầu vụ.

Thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp và sản xuất theo tiêu chuẩn cao

Ngoài trồng cây ăn quả, Tuyên Quang còn đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay ngành Nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Song lĩnh vực nông nghiệp luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng vượt khó của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân nên các mục tiêu tăng trưởng của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhiều năm nay tỉnh luôn quan tâm đưa các giống cây trồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là đặc thù khí hậu miền núi để giúp người nông dân tự quy hoạch vườn trồng, cây trồng cho chính mình, từ đó giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Rừng keo tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang

Với diện tích rừng đạt trên 426.000 ha, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ với trữ lượng lớn, đạt sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000 m³. Tỉnh đã thực hiện công thức "trồng 2, khai thác 1", giúp tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức trên 65%, thậm chí một số địa phương đạt trên 70%. Bên cạnh đó, hơn 3.200 ha cây trồng tại Tuyên Quang hiện đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã được chuẩn hóa, nâng cao giá trị thương mại và sức cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, thời gian tới Tuyên Quang Tuyên Quang sẽ ứng dụng các công nghệ giám sát thiên tai như: Hệ thống đo mưa, hệ thống cảnh báo cháy rừng, quản lý tài nguyên rừng... và tất cả sản phẩm nông sản của sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, nhất là vùng cây nông sản tập trung, cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu đặc thù địa phương.

Việc phát triển các mô hình cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ giúp Tuyên Quang đối phó với các thách thức khí hậu, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Các giải pháp sáng tạo và đồng bộ đã và đang mang lại lợi ích to lớn, qua đó góp phần khẳng định sự đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là nông thôn miền núi tỉnh Tuyên Quang.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tầng 2, Trung tâm Hội nghị tỉnh, số 219 đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang