Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mục tiêu của kế hoạch là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, thuận lợi, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị công. Phấn đấu sẽ bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết và chi phí tuân thủ TTHC.
Đáng chú ý, 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp sẽ được thực hiện trực tuyến, không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Hoàn thành việc phân cấp toàn bộ các TTHC đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022, đồng thời đảm bảo các quy trình xử lý TTHC nội bộ giữa các cơ quan nhà nước được rà soát, tinh gọn và hiện đại hóa.
Theo Kế hoạch, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được cụ thể hóa với lộ trình triển khai và yêu cầu rõ ràng.
Thứ nhất, về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiến hành thống kê, rà soát toàn diện các TTHC thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở đó, sẽ đánh giá chi phí tuân thủ để xây dựng các phương án cải cách, bao gồm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và dữ liệu số. Dự kiến, các phương án này phải được trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/6/2025.
Thứ hai, đối với việc cắt giảm TTHC nội bộ, các cơ quan hành chính sẽ tiến hành rà soát toàn bộ thủ tục nội bộ hiện hành, từ đó chuẩn hóa và điện tử hóa quy trình nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản trị nội bộ trên môi trường số. Mục tiêu hướng tới là xây dựng mô hình “cơ quan hành chính số” theo quy định tại Nghị định số 137/2024/NĐ-CP.
Thứ ba, thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bảo đảm số hóa 100% hồ sơ TTHC. Đồng thời, xây dựng cơ chế để cán bộ tại bất kỳ Bộ phận Một cửa nào cũng có thể tiếp nhận và xử lý hồ sơ mà không phân biệt địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu giao một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và tổ chức xã hội đủ điều kiện thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.
Để bảo đảm việc triển khai đồng bộ và hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực số, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời đầu tư bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
UBND tỉnh giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đảm bảo kỹ thuật trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC; Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện; Các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ và kết quả triển khai...
Xem chi tiết kế hoạch tại đây./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh