Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển kinh tế số

26/03/2025 - 15:40
364
Cỡ chữ:

Để phát triển kinh tế số, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh; ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng… Tuyên Quang kỳ vọng kinh tế số sẽ trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Thương mại điện tử - cơ hội cho doanh nghiệp

Những năm trở lại đây, thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số. Điều này này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển thương mại điện tử nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã chủ động đổi mới trong việc tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chị Phạm Thị Hồng, chủ thương hiệu Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa cho biết: Khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, chúng tôi thấy có sự chuyển biến rõ rệt trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do Nhà nước cấp. Điều này góp phần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, giúp sản phẩm của HTX lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường. Hiện tại, thông qua hệ thống đại lý, đặc biệt là đại lý tại Hà Nội và cửa hàng OCOP Việt Trì (Phú Thọ), sản phẩm trà của HTX đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada và đạt doanh số bán hàng rất tốt.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được quét mã, kiểm tra thông tin và nguồn gốc xuất xứ bằng điện thoại thông minh.

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Postmart (nay là buudien.vn), Voso; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Sàn Thương mại điện tử tỉnh hiện có 1.009 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.532 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành,... phục vụ khách hàng trên toàn quốc. Có 238 sản phẩm của 237 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Nguyễn Tiến Hưng, để thương mại điện tử tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, Trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, sớm đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Thanh toán không dùng tiền mặt: Đã thành thói quen

Nhằm giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, tỉnh tiếp tục duy trì 19 mô hình chợ 4.0 tại các huyện, thành phố. Các tiểu thương, hộ kinh doanh buôn bán tại đây đều được cấp miễn phí mã QR code. Bà Trần Thị Long, tiểu thương buôn bán hoa quả tại khu vực chợ Tam Cờ chia sẻ: Ban đầu khi mới triển khai mô hình chợ 4.0, bà cũng khá lo lắng vì mình đã lớn tuổi lại không thạo công nghệ. Được cán bộ ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản, cấp mã QR code, sau một thời gian sử dụng phương thức này, bà Long thấy rất tiện lợi. Bà không cần phải đổi tiền lẻ để trả lại cho khách như trước đây, mà sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản. Đến cuối ngày bà cũng dễ dàng tổng hợp các khoản thu mà không phải ngồi tính toán thủ công như trước.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thu Linh, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) cho biết: Trước đây, khi dùng tiền mặt đi chợ, có đôi khi chị quên mang theo hoặc cũng có khi sơ ý làm rơi. Bây giờ mỗi lần đi mua sắm, chị chỉ cần mang theo điện thoại. Hầu hết các điểm bán hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa đều có mã QR code, việc thanh toán trở nên nhanh chóng, an toàn, tiện lợi cho cả người mua và người bán.

Nhân viên Agribank huyện Na Hang tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán qua QR Code

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Theo thống kê, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 09 ngân hàng với 70 địa điểm giao dịch; hệ thống máy giao dịch và thiết bị chấp nhận thanh toán gồm có: 01 ngân hàng số và 95 máy giao dịch tự động ATM/CDM, khoảng 599 POS/mPOS, trên 77.500 QR Pay, QR code, Viet QR đang hoạt động. Trên 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản và trên 780.000 tài khoản ngân hàng được mở đáp ứng điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng đã kết nối cung cấp dịch vụ thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh tại 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; phối hợp thực hiện chi trả an sinh xã hội, thực hiện chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, lương hưu bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; có 08/08 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện kết nối để thanh toán phí, lệ phí trên cổng dịch vụ công quốc gia…

Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tỉnh đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng chuyển đổi số toàn quốc. Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2023, Tuyên Quang xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2022 và tăng 20 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, hoạt động kinh tế số của tỉnh năm 2023 đứng thứ 24 trên cả nước.

Tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số

Chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: "Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số". Để đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 18% GRDP của tỉnh, từng bước nâng thứ hạng của Tuyên Quang trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI), tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Logistics, Tài chính - Ngân hàng, Du lịch... Triển khai các giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đổi mới, sáng tạo; trang bị kỹ năng số cho người dân, cung cấp các tiện ích để người dân giao dịch trên môi trường số, tạo lập niềm tin số.

Ngoài ra, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân; tiếp tục phát triển thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, hình thành chuỗi cung ứng; tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Theo định hướng, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2030, xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; phấn đấu đạt trên 80% giao dịch không dùng tiền mặt; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ...

Với chiến lược phát triển đúng đắn, sự đồng lòng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, Tuyên Quang kỳ vọng vào một nền kinh tế số toàn diện, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

 

 

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang
EMC Đã kết nối EMC